Tứ linh đao - bài đao võ cổ truyền sức mạnh kết hợp Long Lân Quy Phụng

Posted at  tháng 11 13, 2019  |  in  Kiến-thức-võ-thuật

- Tên gọi: Tứ Linh Đao
- Nguồn gốc: Tây Sơn Nhạn - Kim Kê TP. HCM.
Võ phái Tây Sơn Nhạn - Kim Kê do cố Lão võ sư Đặng Vân Anh (1917 - 1998) sáng lập.





Theo báo cáo của đại biểu TP.HCM tại Hội nghị chuyên môn VTCT toàn quốc năm 2000 tại Quảng Ngãi, cho biết bài Tứ Linh Đao do các Lão võ sư Đặng Vân Anh (Tây Sơn Nhạn - Kim Kê), Lão võ sư Từ Thiện Hồ Văn Lành (Võ lâm Tân Khánh Bà Trà), Võ sư Quách Văn Phước (Lam Sơn Võ Đạo) và Võ sư Nguyễn Hữu Tiết (môn phái Hắc Âu) sáng tạo năm 1980 và thống nhất đưa vào huấn luyện cho đơn vị TP.HCM.

Khi các Lão võ sư ấy họp với nhau tại Quận I TP. HCM để phổ biến bài Tứ Linh Đao thì lúc đó Võ sư Lê Đình Long phái Kim Kê đã tập luyện bài này. Sau khi Hội VTCT TP. HCM thành lập, bài Tứ Linh Đao được dùng làm bài tập cho chương trình sơ cấp.

Người giới thiệu bài Tứ Linh Đao là Lão võ sư Đặng Vân Anh và thị phạm ghi băng hình lần thứ I năm 1993 tại TP.HCM là Võ sư Lê Đình Long, Võ phái Tây Sơn Nhạn - Kim Kê. Đơn vị TP. HCM.

Người thị phạm bài Tứ Linh Đao ghi băng hình lần thứ II năm 2001 tại Khánh Hòa là Võ sư Lê Đình Long, Võ phái Tây Sơn Nhạn - Kim Kê. Đơn vị TP. HCM.

Người thị phạm bài Tứ Linh Đao ghi đĩa hình lần thứ III năm 2007 tại Hà Tây là Võ sư Lê Đình Long, Võ phái Tây Sơn Nhạn - Kim Kê. Đơn vị TP. HCM.

Bài Tứ Linh Đao được bình chọn trong Hội nghị chuyên môn VTCT toàn quốc lần thứ I năm 1993 tại TP. HCM.
Tứ linh đao là bài đơn đao, được võ sư Kim Kê giới thiệu tại Hội nghị chuyên môn toàn quốc lần 1 do Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam, tổ chức năm 1993 tại Thành phố Hồ Chí Minh, và đã được chọn là một trong những bài quốc võ nhằm đưa bài vào bảo tồn, phát huy và giới thiệu với bạn bè năm châu.
Bằng việc mô phỏng các động tác của bốn loài linh thú theo quan niệm văn hóa phương Đông gồm: long - lân – quy – phụng, bài võ “Tứ linh đao” với kỹ thuật tấn công, phòng thủ liên hoàn, linh hoạt và chặt chẽ đã trở thành một trong những bài võ nổi tiếng của võ cổ truyền Việt Nam.
Được biết võ sư Hồ Tường thuộc môn phái Tân Khánh – Bà Trà là người sáng tạo bài võ “Tứ linh đao” vào năm 1979, khi ông mới 25 tuổi. Khi đó, Tp. Hồ Chí Minh đẩy mạnh phong trào rèn luyện thể dục thể thao cho thanh niên nên các lò võ phát triển rầm rộ. Võ sư Hồ Tường được Chưởng môn phái Tân Khánh – Bà Trà khi đó là cố võ sư Hồ Văn Lành (biệt hiệu Từ Thiện) giao trọng trách sáng tác một bài võ để đóng góp vào chương trình huấn luyện chung với các môn phái khác của hệ thống võ cổ truyền lúc bấy giờ.

Võ sư Hồ Tường đã dựa vào các kỹ thuật đặc trưng của môn phái cùng với sự hiểu biết của mình về các môn võ khác để sáng tạo ra bài đơn đao “Tứ linh đao”. Bài võ đã nhận được những phản hồi tích cực của Hội đồng võ sư khi đó và lập tức được đưa vào giảng dạy cho các môn sinh từ tháng 4 năm 1979 tại Câu lạc bộ Thể dục thể thao quận 1, dành cho các môn sinh từ sơ cấp thi lên trung cấp. Đến năm 1993, cố võ sư Đặng Văn Anh (môn phái Kim kê Tây Sơn Nhạn) đã giới thiệu bài “Tứ linh đao” ở Hội nghị Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam và được chọn trở thành một trong những bài quốc võ.
Lai lịch.
Theo một số thông tin từ phía các nhà chuyên môn trong đó có cả ý kiến của võ sư sáng tạo bài, võ sư Hồ Tường, bài vẫn ít nhiều còn gây tranh cãi khi đưa vào giảng dạy như một trong những bài quốc võ. Bởi vì xuất xứ ban đầu của bài từ môn phái võ lâm Tân Khánh Bà Trà, do võ sư Hồ Tường sáng tạo trên cơ sở bài gươm Lý Thường tương truyền của võ tướng Lý Thường Kiệt và bài Tứ môn đao thuộc môn phái Thiếu Lâm Bạch Hạc, được võ sư Hồ Văn Lành (Từ Thiện) giới thiệu lần đầu tiên vào chương trình sơ cấp của lớp võ dân tộc huấn luyện tại Trung tâm Thể dục Thể thao Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 4 năm 1979. (Một mặt do quá thích thú và mặt khác muốn nắm vững bài Tứ Linh Đao, võ sư Kim Kê (trong ban huấn luyện lớp Võ Dân Tộc tại Trung Tâm Thể Dục Thể Thao quận 1) đã nhờ võ sư Hồ Tường đến một căn nhà ở đường Châu Văn Liêm (Quận 5, thành phố Hồ Chí Minh) để tận tay chỉ dạy cho võ sư Kim Kê cả tháng trời bài Tứ Linh Đao!) Niên hạn của bài còn quá mới, thêm vào đó, đồ hình chữ thập gợi đến quy phạm phổ biến của các bài võ Thiếu Lâm Nam phái của Trung Quốc, ít nhiều chưa thể tiêu biểu cho võ thuật dân tộc.

Lời thiệu.
Lời thiệu của bài viết bằng thể thơ lục bát, bao gồm 18 câu:

Hướng Đông chấp thủ nghiêm chào
Chụm về tay phải cầm đao loan liền
Lui chân, tay kéo lên trên
Chém qua trái, phải, vớt liền một phen
Nghiêng về rùa núp lá sen
Chém ngang phát cỏ, bay lên Phượng Hoàng
Đỡ đâm hình dạng kỳ lân
Tréo chân chém dưới, bước lên chẻ đầu
Hướng tây nào khác gì đâu
Hướng Nam xoay vớt bay lên Phượng Hoàng
Đỡ trên chém dưới hai lần
Đao dâng ngang mặt tay sau nhảy chồm
Chém liền hai ngọn dưới trên
Hướng Bắc như thử xoay tròn tứ môn
Tung mình cá vượt vũ môn
Tọa địa hổ giáng phi long theo liền
Trở về bái tổ tiếp liên
Chụm chân tại chỗ tứ linh hết bài.

Đặc điểm.
Tên gọi Tứ Linh rất có thể nhằm chỉ 4 loài thú thiêng (Long Lân Quy Phượng) toát lộ cả hình và ý trong các chiêu thức của bài.

Bài sử dụng đơn đao đánh trên đồ hình hình chữ thập lặp lại tại các hướng. Các chiêu thức trong bài gồm trảm, phạt, khắc, đâm, chém, đỡ.
Dựa trên việc mô phỏng động tác của bốn loài linh thú nói trên, bài võ được triển khai về bốn hướng Đông – Tây – Nam – Bắc và mỗi hướng đều có các động tác đại diện cho các con vật theo những thế mạnh đặc trưng. Động tác mô phỏng con long (rồng) vừa hùng dũng vừa uyển chuyển ở những thế vừa tấn công vừa phòng thủ. Động tác mô phỏng con lân (kỳ lân) hùng dũng thể hiện ở những thế đâm, tấn công mạnh mẽ và dứt khoát. Động tác mô phỏng con quy (rùa) chủ yếu là phòng thủ thể hiện ở các tư thế núp và lẫn tránh. Động tác mô phỏng con phụng (phượng hoàng) mang yếu tố uyển chuyển, rèn luyện thân thể dẻo dai, nhẹ nhàng. Ngoài những con vật chính còn những con vật phụ như rắn, hạc góp phần da dạng các thế võ trong bài.

Bài võ hội đủ các kỹ thuật linh hoạt của cây đao như: trảm, phạt, đâm, chém, đỡ, giúp khả năng tấn công cũng như phòng thủ một cách toàn diện ở cả ba phần thượng – trung – hạ. Kỹ thuật di chuyển bốn hướng vừa hỗ trợ ứng phó phòng thủ vừa rèn luyện khả năng tấn công đối phương ở các hướng. Các động tác đều được lặp lại từng đôi một ở các hướng đối xứng, và vị võ sư đã tính toán đồ hình di chuyển của bài võ một cách khép kín sao cho điểm kết trùng với điểm xuất phát./.

Share this post

About Naveed Iqbal

Nulla sagittis convallis arcu. Sed sed nunc. Curabitur consequat. Quisque metus enim venenatis fermentum mollis. Duis vulputate elit in elit. Follow him on Google+.

0 nhận xét:

About-Privacy Policy-Contact us
Copyright © 2013 Võ thuật Cổ Truyền - Võ Cổ Truyền Việt Nam - tin tức liên đoàn Võ thuật cổ truyền. Distributed By Võ thuật cổ truyền Việt Nam | Blogger Template by Trung Đức
Proudly Powered by Võ Cổ truyền Việt Nam Phát triển xây dựng nội sung Bánh ngọtViệt Nam Bánh kem Hương vị Việt #banhngotvn Xem nhiều mẫu bánh sinh nhật võ thuật
back to top