Chính khí - tinh thần thượng võ

Posted at  tháng 11 11, 2019  |  in  Kiến-thức-võ-thuật

Người học võ trọng tinh thần thượng võ. Chính khí là một trong những yếu tố làm nên thượng võ. Người thượng võ có nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, bất khuất, kiên cường, uy dũng, liêm sỉ, chính trực… Khoa học quân sự nhận định: Hỏa lực, quân số, kỹ thuật tác chiến chỉ giữ được nửa phần quyết định chiến trường, phân nửa còn lại thuộc về chính khí, có dám quyết chiến và làm chủ trận đánh hay không. Võ thuật cũng như khoa học quân sự: Thể lực, kỹ chiến thuật là một nửa, phân nửa còn lại là tinh thần bất khuất.

b0abbd2394vd07.jpg Chính khí

Ảnh minh họa

Lịch sử chứng minh những võ tướng trung kiên, chân thực đều là người chính khí. Đặng Đức Siêu (1751 – 1810) trong bài văn tế Võ Tánh và Ngô Tùng Châu có viết: “…Chỉ non sông giã với cô thành, chén tân khổ nhắp ngon mùi chính khí…” (tân khổ là cay đắng, có nghĩa là thuốc độc. Uống thuốc độc chết để bảo toàn chính khí).

Võ thuật tồn tại qua bao thời kỳ, bao thế hệ, có lúc mưa dồn sóng dập nhưng vẫn uy vũ trường tồn giữa trời cao, biển rộng, đất dày bởi trong võ có chính khí. Để được chính khí người học võ tinh tấn rèn luyện, sửa thân tâm chính trực, có ý chí và lý tưởng.

1. VÕ TƯỚNG TRẦN BÌNH TRỌNG: TINH THẦN BẤT KHUẤT

Trần Bình Trọng (1259 – 1285), danh tướng đời Trần, sinh tại xã Bảo Thái, nay là huyện Thanh Xuân tỉnh Thanh Hóa, có lòng dũng liệt hơn người. Ngày 21 tháng Giêng năm Ất Dậu (Trùng Hưng thứ I), ông cầm quân đánh giặc, bị bắt rồi hy sinh khi chặn giặc ở bãi Thiên Mạc trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai, được truy phong tước Bảo Nghĩa Vương.

Sử chép: Trần Bình Trọng bị bắt, tướng Nguyên là Thoát Hoan biết ông là tướng tài, tìm mọi cách khai thác, dụ hàng nhưng ông kiên quyết không khuất phục. Khi được hỏi có muốn làm vương đất Bắc không, Trần Bình Trọng đã khẳng khái trả lời: “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Trần Bình Trọng bị quân Nguyên giết, năm đó ông 26 tuổi.

Phan Kế Bính trong “Truyện Hưng Đạo” có thơ vịnh tinh thần bất khuất của danh tướng Trần Bình Trọng như sau:

Giỏi thay Trần Bình Trọng!
Dòng dõi Lê Đại Hành,
Đánh giặc dư tài mạnh,
Thờ vua một tiết trung,
Bắc vương sống mà nhục,
Nam quỷ thác cũng vinh,
Cứng cỏi lòng trung nghĩa,
Ngàn thu tỏ đại danh.

2. VÕ TƯỚNG HOÀNG DIỆU: QUYẾT TỬ VỚI HÀ THÀNH

Hoàng Diệu (1828 – 1882), người quyết tử bảo vệ thành Hà Nội khi bị Pháp tấn công năm 1882. Tên thật của ông là Hoàng Kim Tích, tự Quang Viễn, hiệu Tỉnh Trai, sinh ngày mồng 10 tháng 2 năm Kỷ Sửu, niên hiệu Minh Mạng thứ X (1828) tại làng Quang Đài, huyện Diên Phước (sau đổi là huyện Điện Bàn), tỉnh Quảng Nam. Ông thi đỗ Cử nhân khoa Mậu Thân, nhằm niên hiệu Tự Đức nguyên niên năm 20 tuổi. Khoa Quý Sửu niên hiệu Tự Đức thứ VI, ông đỗ Phó bảng.

Sau khi chiếm được Nam bộ, Pháp chuẩn bị tấn công Bắc bộ. Vua Tự Đức giao cho Hoàng Diệu làm Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội và Ninh Bình – 1880) với chức hàm Binh bộ thượng thư kiêm cả việc Thương chính. Từ năm 1880 – 1882 ông đã ba lần dâng sớ xin triều đình chi viện để củng cố phòng tuyến chống giặc tại Hà Nội, nhưng không nhận được hồi âm từ Huế.

Rạng ngày 25 tháng 4 năm 1882 tức ngày mồng 8 tháng 3 năm Nhâm Ngọ, Đại tá Henri Rivière cho 4 tàu chiến áp sát thành Hà Nội, hạ tối hậu thư yêu cầu Hoàng Diệu giải giới binh linh, và hẹn 8 giờ sáng hôm ấy các quan văn võ, Tổng đốc, Tuần vũ, Bố chánh, Án sát, Đề đốc và chánh phó Lãnh binh trong thành Hà Nội phải đến nộp mình tại dinh của Henri Rivière nhưng Hoàng Diệu không nghe theo.

8 giờ 15 phút quân Pháp bắt đầu tấn công, tàu chiến bắn yểm trợ cho 450 quân và thân binh đổ bộ chiếm thành Hà Nội. Tổng đốc Hoàng Diệu và quân dân trong thành chống giữ rất anh dũng, quyết tâm sống chết với Hà thành. Sự kháng cự quyết liệt đó đã gây nhiều thiệt hại nặng cho đối phương, Từ sự việc kho thuốc súng trong thành bị nổ gây nhiều đám cháy lớn, làm quân sĩ hoang mang cùng với sự chênh lệch về tương quan lực lượng, hỏa lực giữa đôi bên nên chỉ hơn hai giờ sau thì thành Hà Nội bị chiếm.

Trong tình thế tuyệt vọng, dù lực lượng binh lính trong thành ngày càng yếu đi nhưng Tổng đốc Hoàng Diệu vẫn cùng quân sĩ chống lại đến giây phút cuối cùng. Khi không còn khả năng chống trả, Hoàng Diệu ra lệnh cho binh sĩ giải tán để tránh thương vong, một mình ông vào hành cung cắn ngón tay lấy máu thảo tờ di biểu tạ tội với Vua Tự Đức, rồi ra trước Võ miếu nơi cửa Bắc dùng khăn bịt đầu thắt cổ tự tử, hưởng dương 54 tuổi.

Di biểu viết: “Tướng lược phi trường, tử quí sanh nhi vô ích. Thành vong mạc cứu, túng nhiên tử hữu dư cô… Cô trung nhi thệ dữ Long thành, nguyện trùng tiên thần Nguyễn Tri Phương ư địa hạ. Sổ hàng huyết lệ, vạn lý quân môn, nguyện nhật nguyệt chi chi chiêu minh, biểu thần xích tâm nhi dĩ”. Có nghĩa là: “Làm tướng bất tài, thần tự nghĩ sống cũng vô ích, dẫu biết rằng thành mất mà có chết cũng còn có tội… Một mình thề với Long thành, thần nguyện theo gương Nguyễn Tri Phương ngày trước mà xuống nơi suối vàng. Vài dòng huyết lệ, cửa rồng muôn dặm, xin mặt trời mặt trăng soi tỏ tấm lòng son”.

Tổng đốc Hoàng Diệu chết theo thành Hà Nội, người dân Bắc Hà và cả nước vô cùng khâm phục cảm thương; ông được thờ trong miếu Trung Nghĩa ở Huế và miếu Tam Trung ở Hà Nội. Để tưởng nhớ Hoàng Diệu, tại đền Trung Liệt trên gò Đống Đa cùng với Nguyễn Tri Phương có câu đối hai bên cổng:
Thử thành quách, thử giang sơn, bách chiến phong trần dư xích địa
Vi nhật tinh, vi hà nhạc, thập niên tâm sự vọng thanh thiên
(Kia thành quách, kia non sông, trăm trận phong trần còn thước đất,
Là trời sao, là sông núi, mười năm tâm sự với trời xanh)

Đương thời, trước tấm gương trung nghĩa sáng chói của Hoàng Diệu, danh sĩ Ba Giai tức Nguyễn Văn Giai ở Bắc Hà đã ví Hoàng Diệu với vị đại thần Nam Tống bên Trung Hoa là Văn Thiên Tường, và hết lời tán dương công nghiệp của Hoàng Diệu trong tác phẩm “Hà thành thất thủ chính khí ca”, có lời lẽ đau buồn thống thiết.

Một cơn gió thảm mưa sầu,
Nấu nung gan sắt, dãi dầu lòng son.
Chữ trung còn chút cỏn con,
Quyết đem gửi cái tàn hồn gốc cây.
Trời cao, biển rộng, đất dày,
Núi Nùng, Sông Nhị, chốn này làm ghi.

Hình ảnh Võ cổ truyền trong lịch sử Việt Nam ngàn đời soi bóng, thiên cổ lưu danh; dẫu có phải trải qua bao nhiêu cơn gió thảm mưa sầu, bao nhiêu lần bị vong tình bội nghĩa nhưng vẫn là hồn thiêng của tổ quốc, là máu xương của dân tộc. Chính khí không thể vay mượn, không thể giả danh, không thể cưỡng dụng.
Những đặc trưng của võ cổ truyền

1- 👉Tính thượng võ:

Là tinh thần võ hiệp cao thượng được chắt lọc và phát triển thành nguyên lý ứng xử của giới võ học, dần dần trở thành nguyên lý ứng xử bao trùm của người Bình Định. Tinh thần thượng võ gắn liền với lòng yêu chuộng nhân đạo, tôn thờ đại nghĩa, không câu chấp tiểu tiết.

Có thể đọc thấy điều đó qua nghĩa cử của Lía, một chàng trai nghèo đứng lên từ bùn đen của thân phận, buộc phải kiếm sống bằng nghề đạo chích. Nhưng không như kẻ cướp tầm thường, Lía trượng nghĩa ngay cả trong một hành vi mà xã hội vốn khinh rẻ: chỉ cướp những nhà giàu gian ác, của lấy được mang chia đều cho nhà nghèo khó, không yêu cầu đánh đổi một điều gì. Việc làm của Lía đã khiến xã hội phải nghĩ lại. Sau khởi nghĩa của Lía gần trăm năm là khởi nghĩa Tây Sơn, lại xuất hiện những “toán cướp” theo cách gọi của chính quyền phong kiến. Các giáo sĩ phương Tây đã ghi lại với sự ngạc nhiên không giấu diếm về bọn cướp lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo. Hiện tượng này không chỉ riêng Bình Định mới có, nhưng xét về thời điểm lịch sử, bối cảnh lịch sử và ảnh hưởng xã hội thì đây quả là cái có sớm, cái riêng, cái độc đáo của Bình Định.

Tính thượng võ của người Bình Định biểu hiện rất đa dạng. Có khi trong cùng một thời, cùng một hoàn cảnh, nhưng quan niệm mỗi người một khác nhau, dẫn đến hành xử khác nhau. Cùng là bề tôi triều Tây Sơn, nhưng cách trả lời câu hỏi cuộc đời của mỗi người một khác. Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân , Nguyễn Quang Thuỳ và một số tướng sĩ khác bị giặc bắt, đã chọn cái chết hiên ngang giữa pháp trường chứ không đầu hàng Nguyễn Ánh. Nguyễn Văn Tuyết và vợ là Trần Thị Lan (cháu gái võ sư Trần Kim Hùng) phò vua Cảnh Thịnh chạy loạn, chiến đấu đến hơi thở cuối và hy sinh anh dũng trong vòng vây giặc. Võ Văn Dũng vượt ngục ôm ấp mưu đồ khôi phục triều Tây Sơn. Đặng Văn Long, Nguyễn Văn Lộc kẻ dong ngựa ẩn thân chốn sơn khê, người lui về cầm cày nơi thảo dã. Một số võ tướng xuống tóc tu hành. Mỗi người một cách, song bất cứ sự lựa chọn nào cũng đều toát lên lòng ưu dân ái quốc, dũng khí sẵn sàng xả thân cho đại nghĩa, sự trung thành với lý tưởng, thuỷ chung với anh em bè bạn. Ở họ tuyệt đối không có tư tưởng tham sống sợ chết, hám lợi cầu vinh.

Sau thời Tây Sơn, lãnh tụ Cần Vương Mai Xuân Thưởng ra pháp trường còn xé vạt áo, cắn ngón tay lấy máu chép bài thơ tuyệt mệnh: Chết nào có sợ chết như chơi/ Chết bởi vì dân, chết bởi đời/ Chết hiếu chi nài xương thịt nát/ Chết trung đâu kể cổ đầu rơi... Hương mục Ngạc mặc áo vải, ăn rau vườn bên dải sông Kôn, một bữa kia đọc thư của bạn là tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo, cảm khái chuyện sinh dân đại nạn liền vụt dậy gọi trai tráng đôi bờ kẻ thước người côn tham gia phong trào chống thuế để bảo vệ nhân dân bị đàn áp. Phan Thọ, Đỗ Hượt thượng đài đánh thắng võ sĩ Nam Hàn; chúng cho xe đưa quà cáp tới nhà dỗ dành thế nào cũng từ chối hợp tác, cương quyết không truyền bí quyết võ thuật của tổ tiên, dân tộc cho giặc.

Võ nhân Bình Định, võ nhân Tây Sơn là vậy. Hành trạng có khác nhau, kết cục có khác nhau, nhưng trước câu hỏi lớn của lịch sử, tất cả có chung một câu trả lời: thực hiện đạo lý làm Người.

2- 👉Tính dân gian:

Thiên nhiên hàm chứa trong nó cả sự thách thức to lớn lẫn những bài học vô tận để con người quan sát, học hỏi và đúc kết thành kinh nghiệm thích nghi và tồn tại. Nguồn gốc dân gian còn in dấu trong võ cụ như cung tên, chỉa ba, bồ cào, côn (gậy), búa rìu... cho phép ta hình dung võ đã ra đời từ con đường chinh phục thiên nhiên và lao động để sinh tồn. Các thế võ dựa vào thao tác lao động: leo trèo, săn bắt hoặc mô phỏng động tác các loài động vật: bài Hùng kê quyền của Nguyễn Lữ mô phỏng từ đòn gà chọi, bài Song phượng kiếm của nữ tướng Bùi Thị Xuân mô phỏng điệu múa chim phượng; bài roi Thái Sơn bắt chước tư thế, động tác của tám con vật là rắn, lân, tê giác, thỏ, mèo, trâu, gà, hổ.

Một số bài quyền khác cũng xuất phát từ các thế giao tranh của các con vật và dùng tên của chúng đặt luôn cho bài võ như Xà quyền (võ rắn), Hầu quyền (võ khỉ), Hùng kê quyền (võ gà chọi)...

3 - 👉Tính bác học:

Võ Bình Định nói chung và võ Tây Sơn nói riêng được xây dựng trên nền tảng học thuyết âm dương. Các môn quyền thuật cấu tạo bằng cương quyền và nhu quyền. Các môn binh khí được đúc kết và nâng cao trên cơ sở các động tác sử dụng các công cụ lao động sản xuất, là kết quả của một quá trình sàng lọc, lựa chọn rất công phu.

Hai cuốn Hổ trướng khu cơ của Đào Duy Từ (thời kỳ trước Tây Sơn) và Tây Sơn binh pháp của Huỳnh Văn Thuận (thời kỳ Tây Sơn) được xem là võ kinh của Bình Định. Các tác giả của hai cuốn võ kinh này khi biên soạn có tham khảo và kế thừa Tôn Ngô binh pháp của Tôn Tử và Binh thư yếu lược của Trần Hưng Đạo, nhưng cốt yếu là đúc kết các nguyên lý và phép tắc của võ học Bình Định thời họ sống. Ngoài hai bộ sách chỉ còn thấy nhắc trong các thư tịch này, tại các làng võ và các gia đình võ thuật ở Bình Định, Tây Sơn còn lưu giữ khá nhiều tư liệu về võ kinh, võ lý, võ đạo, võ thuật, võ y và võ nhạc. Trong nhiều tài liệu chép tay còn có cả hình vẽ đặc tả tư thế của võ nhân kèm theo lời thiệu. Mỗi bài thiệu là một thảo võ hoàn chỉnh gồm nhiều thế liên hoàn được ghi lại dưới dạng thơ ngắn, dễ nhớ, dễ thuộc. Và riêng các bài thiệu đã là một phần di sản vô giá của võ cổ truyền Bình Định.

4 - 👉Tính nghệ thuật:

Nói đến võ thuật, là nói đến sự tổng hòa giữa sức mạnh và vẻ đẹp cơ thể, giữa trí lực và thần sắc, kết quả của sự lựa chọn, sàng lọc để duy trì tinh hoa nghề võ.

Một đặc điểm của võ Bình Định - Tây Sơn cổ truyền là khi đánh, giữ cho chân không rời khỏi mặt đất - “túc bất ly địa”. Đây cũng có thể coi là một trong những điểm làm nên cái riêng, tiêu chí phân biệt võ Bình Định – Tây Sơn với các dòng võ khác.

Võ Bình Định, Tây Sơn gắn liền với các bài thiệu và nhạc võ. Những bài thiệu võ không đơn giản chỉ dùng để thuyết minh cho từng phân thế võ trong bài thảo, mà ẩn trong đó là những hàm ý sâu xa của các bậc tiền nhân để lại cho đời sau, không phải ai cũng nhận ra và hiểu được. Nếu lời thiệu giúp võ sinh đánh không lạc chiêu thức, thì nhạc võ trong luyện tập điều hoà tiết tấu của chiêu thức. Trong trận mạc, nhạc võ là tiếng núi sông kêu gọi ba quân tiến bước, là hiệu lệnh thúc giục tướng sĩ xung phong phá luỹ công thành, là khúc hoan ca mừng chiến thắng. Tất cả cung bậc bi tráng - hào hùng, khoan thai - bão táp truyền thẳng vào trái tim khối óc người nghe. Đặc biệt môn kỳ võ (múa cờ) ngoài tác dụng điều khiển trận đánh theo hiệu lệnh của người chỉ huy, còn có hiệu quả thẩm mỹ rất lớn. Lá cờ phấp phới trước hàng quân như niềm kiêu hãnh thiêng liêng, thổi bùng ngọn lửa tình yêu quê hương đất nước trong mỗi người. Ngày nay, nhạc võ và kỳ võ đã trở thành những tiết mục trình diễn mang tính nghệ thuật cao, được xếp vào danh mục “đặc sản văn hoá” của Đất Võ, lôi cuốn và làm rung động biết bao thế hệ.
Võ sư Trương Văn Bảo

Share this post

About Naveed Iqbal

Nulla sagittis convallis arcu. Sed sed nunc. Curabitur consequat. Quisque metus enim venenatis fermentum mollis. Duis vulputate elit in elit. Follow him on Google+.

0 nhận xét:

About-Privacy Policy-Contact us
Copyright © 2013 Võ thuật Cổ Truyền - Võ Cổ Truyền Việt Nam - tin tức liên đoàn Võ thuật cổ truyền. Distributed By Võ thuật cổ truyền Việt Nam | Blogger Template by Trung Đức
Proudly Powered by Võ Cổ truyền Việt Nam Phát triển xây dựng nội sung Bánh ngọtViệt Nam Bánh kem Hương vị Việt #banhngotvn Xem nhiều mẫu bánh sinh nhật võ thuật
back to top