Hào khí võ Việt - chí khí làm trai tiếp nối tinh thần võ thuật nước nhà

Posted at  tháng 11 15, 2019  |  in  Lịch-sử-võ-thuật

VÕ BỊ VÀ BINH CHẾ VIỆT NAM TỪ THẾ KỶ 15 TỚI THẾ KỶ 18

Vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống xâm lược Minh, Bình Định Vương Lê Lợi rất coi trọng chất lượng quân đội. Năm 1427 chỉ còn chờ hạ thành Đông Quan, quân đội tuy rất quen chiến trận, mà vẫn phải tổ chức tập trận thủy chiến. Cũng lúc này, để xây dựng đội thị vệ, bộ chỉ huy khởi nghĩa cho tuyển con em của dân chúng giàu có, thân thể khỏe mạnh, tinh thông võ nghệ, tinh thần gan dạ, mỗi viên thiếu úy phải tuyển 200 người, kẻ nào nhát sợ thì không dùng. Quân luật rất nghiêm, các võ quan được lệnh ngày thường không được tự ý giết binh sĩ phạm pháp nhưng khi ra trận mà trái lệnh thì chém trước tâu sau. Lại ban ra mười điều quân luật và ba điều răn các quan võ.


Năm 1428 kháng chiến thắng lợi, vua Lê Thái Tổ cho quân của cả 5 vệ tổng thao diễn biểu dương lực lượng, sau đó giảm quân số từ 35 vạn xuống còn 10 vạn ; chia làm 5 phiên lần lượt thay nhau 4 phiên về làm ruộng, chỉ giữ một phiên gồm 2 vạn tại ngũ làm quân thường trực. Số quân ấy ít, song trong cả nước số quân nhân phục viên biết võ nghệ quân sự rất đông lại vẫn thường xuyên luyện tập võ nghệ nên khi cần Nhà nước có thể huy động một đạo quân thiện chiến rất lớn.

Chế độ binh chế được xây dựng chu đáo ngay từ thời Lê sơ, về sau thời Lê trung hưng, vẫn theo tổ chức cũ. Cuối năm 1428 nhà Lê đặt quy chế về cờ xí, nghi trượng cho các quân, chiến khí và thuyền ghe : trung đội cờ vàng, thượng đội cờ đỏ, hạ đội cờ trắng. Mỗi vệ một lá cờ lớn của chủ tướng. Mỗi quân một lá cờ hạng trung, 10 lá cờ đội và 40 lá cờ nhỏ. Thuyền chiến dùng vào hỏa công 10 chiếc, thuyền nhỏ đi tuần thám hai chiếc. Ống phun lửa loại đại tướng quân một chiếc, loại lớn 10 chiếc, loại trung 10 chiếc và loại nhỏ 80 chiếc. Nỏ mạnh 50 cái, câu liêm 50 cái, giáo dài 50 cái, phi liêm 40 cái, mộc mỗi người một chiếc. Phi tiêu (thủ tiễn) hạng nhất dùng mỗi người một chiếc, hạng nhì dùng mỗi người 3 chiếc ; dao to mỗi người 1 con. Mỗi quân và mỗi đội đều có một người thư lại biên chép.

Quân đội nhà Lê ở giai đoạn đầu vua Lê Thái Tổ chia làm 6 quân ngự tiền và 5 quân đạo. Quân ngự tiền đóng ở kinh đô bảo vệ kinh thành, quân các đạo đóng ở địa phương. Các triều vua tiếp theo ngày càng hoàn chỉnh hệ thống quân đội, gồm thân binh hay cấm binh bảo vệ kinh đô, cung điện nhà vua, và ngoại binh trấn giữ các xứ.

Quân đội phải thường xuyên tập võ nghệ và trận pháp, lại phải thao diễn để nâng cao trình độ chiến đấu. Năm 1434 vua Lê Thái Tổ ra sắc lệnh cho các quân ngự tiền và quân năm đạo đúng ngày 20 tháng giêng tập trung ở kinh thành để thao diễn gọi là đại tập quân kỳ. Riêng quân các đạo Thanh Hóa trở vào Nam, vì đường xa được tập trung ở bản trấn để diễn tập. Các vua sau đó, đặt việc diễn tập hàng năm này thành lệ thường. Ngoài ra thỉnh thoảng Nhà nước còn tổ chức diễn tập riêng từng binh chủng. Chẳng hạn năm 1435, nhà vua đi xem vệ quân năm đạo tập trận lục chiến, khi về lại duyệt thủy binh tập thủy chiến ở sông Nhị Hà. Cũng năm ấy, trong khi quân các đạo điểm duyệt tại bản trấn, thì các quân ngự tiền được giảng tập võ nghệ ở sân rồng nơi cung điện. Nhà vua chẳng những trực tiếp điểm duyệt quân đội, còn trực tiếp xem quân đội luyện tập. Chẳng hạn năm 1435 nhà vua đến bến Đông Tân xem năm quân thi bơi, năm 1437 vua đến trường đua xem tập võ nghệ, năm 1438 và 1439 cho các quân vào sân điện Giảng Võ tập tượng trận…
Năm 1467 vua Lê Thánh Tông ban bố quân lệnh gồm 31 điều về thủy trận, 32 điều về tượng trận, 27 điều về mã trận và 42 điều về bộ trận cho quân túc vệ kinh sư, đồng thời nhà vua nhấn mạnh “phàm đã có quốc gia tất phải có võ bị”. Do đó quy định cụ thể ngày tập cho quân đội : ngày rằm hằng tháng binh lính đến phiên thay đổi, thì chỉ lưu một số để canh giữ, còn bao nhiêu người phải tập trung tập điều lệnh.

Năm 1467 nhà vua lệnh cho các vệ, các ti Thần-võ, Du-nỗ, Thần-tí, Vũ-lâm và Ngũ-oai : mỗi khi quân sĩ đến phiên túc trực, đều thay đổi từng ban chuyên tập võ nghệ ; binh sĩ ở vệ Ngũ oai và các vệ ở các đạo ngoài kinh thành đều được nghỉ việc sai phái về tạp dịch, liệu định số người canh giữ, còn bao nhiêu phải chuyên tập võ nghệ, ban nào tập xong, quan sẽ duyệt lại và thưởng phạt theo lệ định. Nhà nước quy định thành lệ tất cả quân sĩ cứ 3 năm phải qua một kỳ khảo hạch về võ nghệ để kiểm tra kết quả luyện tập và động viên tinh thần luyện tập của quân sĩ : cứ đến mùa đông từng kỳ, các quan khảo xét sự giảng tập của quân thủy, quân bộ, quân thị hậu và quân ngoài các đạo ; nhân đấy định cách thức thưởng phạt : binh sĩ nào thắng luôn 4 tao, được thưởng 1 chiếc áo và 1 quan 5 tiền sử tiền. Nếu 2 tao thắng 1 tao bình, được thưởng 1 chiếc áo. Nếu 2 tao thắng, 2 tao bình thì thì được thưởng 6 tiền sử tiền. Nếu 1 tao thắng 3 tao bình thì được thưởng 3 tiền sử tiền ; nếu 4 tao đều bình thì được cấp cho tiền cơm và 20 đồng sử tiền. Ngược lại binh sĩ nào thua cũng phải phạt như thế.

Với tính chất thưởng phạt vật chất cụ thể, mọi binh lính đều tự giác học tập để giành thành tích cao về võ nghệ. Và từ việc tập luyện ấy, các võ sĩ, lực sĩ, dũng sĩ, tráng sĩ rất được trọng dụng. Khi xét định chế độ quân ngũ, quân kinh sư được đặt biệt chú ý, trong đó các lực sĩ được phiên vào 10 ti (mỗi ti 100 người) túc trực ở điện Kim Quang ; ở cẩm y vệ có 10 ti gồm những dũng sĩ và 18 ti gồm những tráng sĩ ; ở Kim Ngô vệ có 14 ti gồm những võ sĩ và 4 ti gồm những tráng sĩ. Như vậy chỉ số võ sĩ, lực sĩ, dũng sĩ, tráng sĩ ở 56 ti trên đã lên tới 5600 người rồi. Những người lính này được tập luyện võ nghệ đều đặn và kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Năm 1499 vua Lê Hiến Tông sai các chỉ huy ở Cẩm y vệ quy định thưởng phạt đối với các lực sĩ, dũng sĩ, võ sĩ kiểm tra võ nghệ đạt hay không đạt. Đồng thời, nhà vua chuẩn y lời tâu của thượng thư Bộ binh lập thành lệ các lực sĩ, dũng sĩ, võ sĩ ai ốm nặng được về quê điều trị 10 ngày, khi khỏi bệnh phải làm đơn khai nộp ở bộ binh để trung quan và quan khoa đài cùng xem xét, nếu sức vóc mạnh khỏe thì được trở lại chân lực sĩ, võ sĩ, dũng sĩ ở bản vệ ti ; nếu không thì sung vào quân điện tiền. Rõ ràng những người lính này được triều đình quản lý chặt chẽ. Đến năm 1509 ngoài 1.000 lực sĩ túc trực ở điện Kim Quang lại đặt thêm ti Phi Võ gồm 100 lực sĩ túc trực ở cung Đoan Khang, bổ nhiệm Nguyễn Tông làm Đô Phi võ lực sĩ nội sứ. Năm sau (1510) đặt thêm hai vệ Thiên võ và Thánh oai (ở cấp trên vệ Cẩm y và vệ Kim ngô), mỗi vệ có 8 ti, đều túc trực ở điện Kim Quang. Số lực sĩ bảo vệ vua rất nhiều.

Năm 1467 Nhà nước còn sai quan văn thông thạo kinh sách đến giảng dạy việc luyện tập và đọc sách cho những bộ binh và kỵ binh có tiếng khỏe mạnh, dũng cảm.

Về vũ khí, trong qui chế về chiến đấu năm 1428, ta biết quân đội nhà Lê được trang bị vũ khí phòng ngự là mộc, và vũ khí tấn công gồm vũ khí đánh gần như câu liêm giáo dài, dao to và vũ khí đánh xa gồm phi liêm, thủ tiễn, nỏ mạnh và ống phun lửa nhiều cỡ. Những vũ khí ấy đều do Nhà nước độc quyền chế tạo, rồi phân phối về các đơn vị và các địa phương. Năm 1469 vua Lê Thánh Tông ra chỉ dụ cấm trong nước không ai được cất dấu đồ binh khí. Trong quân đội, nếu khí giới có hao mòn khuyết mẻ đều đem đến kho võ khí để tu tạo lại theo như quy thức, không ai được tự tiện đem đến các nơi nhà công, nhà lính ở ngoài để sửa chữa hoặc làm mới. Ai trái lệnh sẽ bị luận vào tội lưu khống chỉ vũ khí. Quân trang cũng được quy định : những thứ áo giáp mũ trụ để làm cho dung nghi quân sĩ được hùng mạnh như nón thủy ma ; nón sơn đỏ là thứ nón của thân quân đội túc trực để bảo vệ kinh thành, cấm nhân dân mua bán các thứ nón ấy.
Thời Lê trung hưng vẫn giữ về cơ bản, chỉ thay đổi chi tiết : các thứ cờ xí, kiếm, kích, giáo, mộc, đao, súng, thuốc đạn đều do binh phiên cấp phát theo lệ. Các viên quản quân được cấp một thanh gươm. Các thứ binh khí không thường dùng như máy bắn đá, súng báng gỗ, súng bọc da, tên có lửa, thuốc lửa, đạn lửa, thuốc mù đều cấm chế tạo. Các viên quản binh có thể giữ một hai khẩu súng riêng, còn súng khác và cả ngựa đều không được chứa cất. Các cục làm súng đều thu hẹp, chỉ cho người các xã am hiểu được ứng dụng chế tạo. Cấm các phố phường, các dinh cư và tư nhân nuôi thợ làm súng bán riêng.

Trang phục quân đội cũng được quy định để phân biệt với dân, phân biệt quân ở kinh và quân ở các trấn. Đầu thời Lê sơ, thủy quân đội nón thủy ma và nón sơn đỏ, đời Hồng thuận chế thêm kiểu mũ đỏ có cánh phượng đỏ dát vàng cho quân hai vệ Thiên vũ, Thanh uy. Thời Lê trung hưng áo mũ quân thị hậu đều bằng gai do binh phiên phát để may, còn áo mũ của quân các trấn thì bằng da trâu sơn đỏ. Do đó, trấn thủ các xứ, và các chợ ở kinh thành đều phải nộp 100 tấm da trâu.

Mạc Đăng Dung vừa lập ra nhà Mạc năm trước thì năm sau 1528 tiến hành chấn chỉnh ngay chế độ quân đội, phỏng theo điều lệ đời Hồng Đức (1470 – 1497) xây dựng qui chế về danh hiệu các vệ, các sở, các ti, tên chức quan, số nhân viên và số quan lính trong kinh đô và ngoài các hộ thuộc năm phủ. Nhà Mạc đặt thêm vệ Hưng quốc và vệ Chiêu vũ, cùng với hai vệ Cẩm y và Kim ngô có trước thành bốn vệ, Lại chia người bổ vào các ti trong mỗi vệ, mỗi ti đặt một chỉ huy sứ, 1 chỉ huy đồng tri, 1 chỉ huy thiên sư, 10 trung hiệu, 1 thư ký, 1.100 tráng sĩ, chia làm 22 ban, Ban chia làm 5 giáp, mỗi giáp đặt một người làm giáp thủ, luân phiên vào trực.

Năm 1532 nhà Mạc cấm các xứ trong ngoài không ai được cầm giáo mác và binh khí ở đường xá. Từ đấy người buôn bán và người đi đường đều đi tay không. Như vậy binh khí thời Mạc chỉ dùng vào việc quân sự, lưu hành trong quân đội.

Do chiến tranh Mạc – Lê thường xuyên xảy ra nên võ nghệ càng được chú trọng nhiều khi phụ nữ cũng tham gia chiến trận, nhất là vợ các tướng lĩnh. Sử ghi năm 1571 Trương Trà là tướng nhà Lê đánh nhau với giặt, bị Nghĩa Sơn bắn chết, vợ Trương Trà là Trần thị cải trang làm đàn ông, ra trận đốc chiến, bắn chết được Nghĩa Sơn. Năm sau 1572, trong trận khác, Ngô Thị Ngọc Lâm là thị tì của Nguyễn Hoàng đã lập mưu dụ giết được Lập Bảo là tướng nhà Mạc. Cả sau cuộc tranh chấp Mạc – Lê, năm 1600 Phan Ngạn ngờ Văn Khuê làm phản, sai người bắt giết đi, vợ Văn Khuê là Nguyễn Thị Niên muốn báo thù chồng, bèn khuyến khích sĩ tốt, chiêu mộ người ai lấy được đầu Phan Ngạn sẽ trọng thưởng. Ngạn giận lắm, tự đốc sức thuyền chở binh lính tiến lên trước, bị trúng đạn chết.

Nhà Lê sau khi trung hưng vẫn tiếp tục chính sách quân sự thời trước. Năm 1595, trên bến Thảo Tân, đoạn sông Nhị, ở phía Nam kinh thành, mùa xuân vừa tổ chức thi Hội thì mùa thu tổ chức duyệt quân sĩ rất lớn, số quân lính có tới hơn 12 vạn, để ấn định ngạch lính, lính cũ ở trong kinh và ngoài các đạo chỉ giữ lại người khỏe, còn người già yếu thì thải bớt, năm này nhà vua cũng cho tuyển lính để bổ sung.

Trong cuộc tranh chấp Mạc – Lê, căn cứ nhà Lê ở vùng Thanh Nghệ nên cả sau đó nhà Lê chỉ lấy lính ở Thanh Nghệ, cấp cho ruộng công và ưu đãi cho chức sắc. Tiếp sang thế kỷ XVII cuộc tranh chấp Trịnh – Nguyễn càng thúc đẩy thêm mạnh việc rèn tập võ nghệ.

Quân đội thời Lê trung hưng do bắt nguồn ở Thanh Nghệ. Sau khi thắng Mạc rồi được giữ lại đóng ở Kinh đô để bảo vệ Hoàng thành, còn lính ở các trấn chỉ có ngạch thôi, khi có việc mới tập họp, xong việc lại về làm ruộng. Năm 1721 chúa Trịnh định lại ngạch lính cả Thanh Nghệ và bốn trấn đều chọn 5 suất đinh lấy một người, phải kén người mạnh khỏe.

Lính mới tuyển ở các địa phương, về sau theo lời bàn của Nguyễn Công Hãng, đầu năm 1724 tập trung về Kinh thành để luyện tập và thao diễn. Cuộc duyệt binh lần này có hơn vạn lính mới tuyển hàng ngũ tề chỉnh, được chúa Trịnh ban thưởng. Từ đây thành lệ, tháng 2 hàng năm đều cử hành lễ đại duyệt binh trọng thể với nghi thức chúa Trịnh thống suất quan quân các doanh, trang bị đầy đủ nhung phục và khí giới, đặt đàn tràng cáo tế ở lầu ngũ long, chiếu theo phương thức mở cờ, bắn sáng làm chấn động dung nghi quân sĩ.

Quân lính từ năm 1722 ngoài quyền lợi vật chất và tập luyện võ nghệ, người nào thông hiểu nghĩa lý văn chương còn được tính phép cùng các sĩ tử thi hương, nếu gặp kỳ thi viết chữ, tính toán và khoa thi võ cũng được phép thi khảo ở ngay kinh đô.

Năm 1740 Triều đình hạ lệnh : Phàm người nào có mưu lược, biết võ khỏe mạnh, có thể dùng vào việc cầm quân thì không câu nệ về tư cách phẩm trật, được đề cử tên từng người để Triều đình sẽ theo tài năng bổ sung. Đồng thời con cháu của bầy tôi có công người nào có sức mạnh, chiến đấu khỏe, sẽ cấp cho lương bổng rồi cho đi quân thứ.

Cũng năm ấy, Nhà nước còn kén thêm binh thủy, chọn những người khỏe mạnh ở Sơn Nam, Sơn Tây và Kinh Bắc cho thuộc vào đội ngũ lính thủy và cấp cho thuyền công, mỗi thuyền 10 người, lại cho ưu binh Thanh Nghệ xen vào hướng dẫn, để thao diễn luyện tập quân thường trực đã nhiều, nhưng vì phải đánh dẹp luôn ở các nơi nên vẫn không đủ lính để điều khiển. Cùng năm 1740, còn hạ lệnh kén hương binh, chia thành đội ngũ luyện tập, khi cần sẽ trưng dụng.

Những quan lại cao cấp còn có cận vệ giỏi võ. Chẳng hạn Nguyễn Khản là một đại thần, trong đám thủ hạ có một người Bắc quốc vốn giỏi thuật đánh kiếm. Năm 1784 khi kiêu binh vây dinh của Khản, y thấy động liền tuốt gươm ra cửa chặn đánh, chém và làm bị thương nhiều người. Bọn kiêu binh cũng giỏi võ, kéo đến, chém người Bắc quốc thành đống thịt vụn nát như bùn, rồi kéo vào dinh Khản, phá nhà cửa.

Nhà Tây Sơn lập nghiệp từ trong khởi nghĩa nông dân chống cả chúa Nguyễn và chúa Trịnh, lại đánh tan cả xâm lược Xiêm và Thanh. Bộ chỉ huy nghĩa quân khi nắm được quyền binh ở Triều đình vẫn giữ được tất cả những gì tích cực, quân đội Tây Sơn là đội nghĩa quân thạo võ nghệ và kỷ luật chặt chẽ.

Theo qui chế quân sự nhà Lê, quân đội gồm có 5 đạo quân, giờ đây vua Quang Trung tổ chức thêm những đội quân đặc biệt gọi là Tả bật, Hữu bật, Ngũ chế, Càn thanh, Thiên cán, Thiên trường, Hổ đôn, Hổ hầu, Thị Lân, Thị Loan, mỗi quân gồm năm bậc là sư-lữ-tốt-lượng-ngũ như xưa, ở các phủ, huyện thì quân đội chia từng đạo cơ và đội, đạo thống cơ, cơ thống đội, Triều vua Thái Đức, Nguyễn Nhạc mộ lính, sang triều Quang Trung Nguyễn Huệ tuyển lính theo chính sách chung.

Hết

Mai Văn Muôn
tìm hiểu Võ thuật tập 8, 1991

Share this post

About Naveed Iqbal

Nulla sagittis convallis arcu. Sed sed nunc. Curabitur consequat. Quisque metus enim venenatis fermentum mollis. Duis vulputate elit in elit. Follow him on Google+.

0 nhận xét:

About-Privacy Policy-Contact us
Copyright © 2013 Võ thuật Cổ Truyền - Võ Cổ Truyền Việt Nam - tin tức liên đoàn Võ thuật cổ truyền. Distributed By Võ thuật cổ truyền Việt Nam | Blogger Template by Trung Đức
Proudly Powered by Võ Cổ truyền Việt Nam Phát triển xây dựng nội sung Bánh ngọtViệt Nam Bánh kem Hương vị Việt #banhngotvn Xem nhiều mẫu bánh sinh nhật võ thuật
back to top