Hứa Thế Hữu là ai sao dám tát cả Mao Trạch Đông

Posted at  tháng 11 15, 2019  |  in  Nhân-vật-võ-thuật

Từ một võ tăng Thiếu Lâm chính tông gia nhập quân đội, sau đó được phong hàm Thượng tướng, cuộc đời của Hứa Thế Hữu là một pho huyền thoại.


Sẵn sàng nhận lời thách đấu đả lôi đài để mở đường cho quân đi, uống hơn 50 chén rượu sắc mặt không đổi và dám lao tới tát Mao Trạch Đông, đập bàn quát Giang Thanh..., những việc ấy không ai có thể làm được ngoài Hứa Thế Hữu.
Hứa Thế Hữu sinh ngày 28/2/1905, trong một gia đình bần nông ở Tân Huyện, Hà Nam (Trung Quốc). Vì cha mẹ quá nghèo, để kiếm miếng cơm manh áo, từ nhỏ, Hứa Thế Hữu đã phải đi làm tạp dịch cho một thầy giáo dạy võ. Sau đó, ông tới chùa Thiếu Lâm xin thụ giáo.

Thời gian thoắt cái đã 8 năm, nhờ chuyên tâm rèn luyện, nên khi ra khỏi chùa Thiếu Lâm, Hứa Thế Hữu nắm bắt được rất nhiều tuyệt kỹ công phu và nó đã giúp ông rất nhiều trên con đường bôn tẩu cùng đoàn quân cách mạng trong cuộc Vạn lý trường chinh. Người ta không bao giờ quên hình ảnh ông tả xung hữu đột trong một trận chiến đấu sau khi Hồng quân Trung Quốc đột phá Gia Lăng Giang. Khi đó mặc dù đã là trung đoàn trưởng, nhưng Hứa Thế Hữu vẫn xung phong tham gia vào đội cảm tử, xách đại đao xông vào trận địa đối phương, phạt bên hữu, chém bên tả. Kết quả, trong trận đó, một mình Hứa Thế Hữu đã tiêu diệt 36 tên địch. Nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Lưu Hoa Thanh đã đánh giá cao hành động anh hùng của Hứa Thế Hữu và cho rằng một trung đoàn trưởng tự nguyện gia nhập đội quân cảm tử là chuyện chưa có tiền lệ trong lịch sử.

Nhưng huyền thoại về Hứa Thế Hữu chưa dừng ở đây. Trong cuộc Vạn lý trường chinh ở Trung Quốc, khi đi qua những vùng dân tộc thiểu số, Hồng quân thường xuyên bị các tù trưởng gây khó dễ. Lần kia, để có đường tiến lên, cánh quân của Hứa Thế Hữu không còn cách nào khác là phải nhận lời thách đấu của một vị trại chủ võ nghệ nức tiếng trong vùng.

Vị trại chủ này tuyên bố nếu Hồng quân đánh thắng ông ta trên lôi đài thì mới nhường đường. Vì việc lớn, hàng chục chiến sỹ, sỹ quan Hồng quân biết võ công thượng đài tỉ thí, nhưng đều bị gã trại chủ hạ gục. Hứa Thế Hữu khi đó đã là sư đoàn trưởng thấy vậy nóng mặt nhận lời thách đấu.

Trong tiếng hò reo của Hồng quân và đồng bào thiểu số, chỉ bằng hai đòn thế của quyền thuật Thiếu Lâm chính tông, Hứa Thế Hữu đã đánh bay gã trại chủ nọ xuống võ đài. Nhân cơ hội, Hứa Thế Hữu múa luôn bài La Hán Hùng Quyền khí thế như vũ bão sấm sét, khiến tất cả những người có mặt ngất ngây thán phục.

Dù đã cúi đầu chịu thua, mở tiệc khoản đãi Hồng quân, nhưng gã trại chủ vẫn tìm cách hạ uy tín thử thách Hứa Thế Hữu. Trong bữa tiệc, hắn lại đặt ra trò đấu rượu, nhằm hạ uy tín đối thủ. Nhấp môi năm chục chén, sắc mặt Hứa Thế Hữu không hề thay đổi.

Không những vậy, vị sư đoàn trưởng này còn khiến tên trại chủ nọ thất sắc khi uống cạn tới 3 vò rượu mà vẫn tỉnh táo như thường. Quá đỗi kinh ngạc trước tửu lượng vô biên của Hứa Thế Hữu, tên trại chủ chỉ còn nước quì xuống, xin gả con gái cho ông. Hồng quân thắng cuộc toàn phần, mọi chuyện vì thế mà êm đẹp.

Thượng tuần tháng 10/1936, phương diện quân Hồng Nhị, Hồng Tứ hội quân cùng phương diện quân Hồng Nhất (Hồng quân trung ương) tại thành Hội Ninh thuộc huyện Hội Ninh, tỉnh Cam Túc.

Sự kiện trọng đại này đặt dấu chấm hết cho những năm tháng trường chinh gian khổ của Hồng quân Trung Quốc, làm phá sản hoàn toàn âm mưu chia rẽ Hồng quân với Đảng Cộng sản Trung Quốc của Trương Quốc Đạo (một trong những nhà lãnh đạo thời kỳ đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, sau phản bội đi theo Quốc dân Đảng). Đồng thời, nó cũng đặt nền móng vững chắc cho Mao Trạch Đông trong vai trò nhà lãnh đạo thực tế của Trung ương Đảng Cộng sản và Hồng quân Trung Quốc. Khi đó, Hứa Thế Hữu là sư đoàn trưởng thuộc phương diện quân Hồng Tứ.

Một hôm, Hứa Thế Hữu nhận được thông báo đi tập huấn và tham gia đấu tranh vạch tội Trương Quốc Đạo tại trường Đại học Hồng quân (sau đổi thành trường Đại học quân chính kháng Nhật). Trong quá trình đấu tố Trương Quốc Đạo, giữa các học viên trường Đại học Hồng quân, chủ yếu đến từ phương diện quân Hồng Nhất, Hồng Nhị và Hồng Tứ nẩy sinh mẫu thuẫn gay gắt.

Trước sự hiện diện của đông đảo học viên tham dự hội nghị truyền đạt thông báo về sự thất bại của quân Tây Lộ thuộc phương diện quân Hồng Tứ, Hứa Thế Hữu đã không thể kìm được lòng mình, bật khóc. Các học viên thuộc phương diện quân Hồng Nhất và Hồng Nhị cho rằng Hứa Thế Hữu và các học viên thuộc phương diện quân Hồng Tứ đứng về phía Trương Quốc Đạo, không những chưa nhận thức đầy đủ, mà còn không chịu vạch hết tội lỗi của Trương Quốc Đạo, liền chĩa mũi nhọn "đấu tranh đường lối" vào Hứa Thế Hữu và các học viên thuộc phương diện quân Hồng Tứ khác. Vì điều này, hai phe trở nên đối lập sâu sắc và luôn trong tình trạng "tên chuẩn bị rời cung, súng sắp sửa lẩy cò".

Sau này, không ít học viên thuộc phương diện quân Hồng Tứ bị đem ra phê đấu. Vì là tướng tâm phúc của Trương Quốc Đạo, nên Hứa Thế Hữu trở thành một trong những người chịu trận nhiều nhất, bị chỉnh đốn, phê bình ở hết hội nghị lớn đến cuộc họp nhỏ. Không thể chịu được nỗi oan khuất đó, cuối cùng, trong một hội nghị vạch tội Trương Quốc Đạo, Hứa Thế Hữu đã nổi xung, xông lên bàn chủ toạ, lớn tiếng chất vấn:

"Tại sao lại nói Trương Quốc Đạo là chủ nghĩa chạy trốn? Trung ương chẳng phải đã chạy trốn hay sao? Hồng quân trung ương chẳng phải đã chạy trốn khỏi khu Xô viết trung ương? Không đánh được quân địch, chuyển sang nơi khác đánh tiếp, lẽ nào gọi đó là chủ nghĩa chạy trốn?" Những lời Hứa Thế Hữu phát ra chẳng khác nào một quả bom tấn giáng xuống hội nghị.

Cả hội trường nhao nhao kêu gọi đánh đổ đệ tử của Trương Quốc Đạo - Hứa Thế Hữu. Người ta gọi Hứa Thế Hữu là tên thổ phỉ núi Đại Biệt, là phần tử Trotsky lẩn vào trong Hồng quân. Về tới phòng, Hứa Thế Hữu vẫn lửa giận đùng đùng, toàn thân run lên, đau khổ tâm sự cùng bạn đồng khoá, Vương Kiến An rằng: "Chúng ta hết đường ở lại Hồng quân rồi!"

Tối hôm đó, một kế hoạch nguy hiểm đã nảy ra trong đầu Hứa Thế Hữu. Sau khi bàn bạc cùng các chiến hữu như Vương Kiến An, Chiêm Tài Phương và Ngô Thế An, Hứa Thế Hữu quyết định mọi người sẽ đến nhờ vả Lưu Tử Tài, một người trước đây là thuộc hạ của Hứa Thế Hữu, hiện đang nắm trong tay một đội quân vũ trang lên tới trên 10.000 người ở Tứ Xuyên.

Qua vận động bí mật, số người thuộc phương diện quân Hồng Tứ đồng ý đi theo Hứa Thế Hữu ngày càng nhiều, trong đó có hơn 20 cán bộ cấp quân đoàn, 6 cán bộ cấp sư đoàn, 5 cán bộ cấp trung đoàn. Họ quyết định không mang theo Trương Quốc Đạo, Hà Uý và Chu Thuần Toàn vì cho rằng những người này thể chất kém, muốn đi thì phải cưỡi ngựa.

Vạch xong kế hoạch, tự tay Hứa Thế Hữu viết một bức thư cho Mao Trạch Đông. Thời gian xuất phát là đúng 10 giờ tối 4/4/1937. Trong khi Hứa Thế Hữu đầy tự tin vào sự thành công của kế hoạch thì một bất ngờ đã xảy ra. Vương Kiến An, người bạn chiến đấu thân tín nhất của Hứa Thế Hữu, từng giữ chức chính uỷ quân Hồng Tứ, bỗng nhiên tỉnh ngộ vào thời khắc quan trọng nhất.

Chiều 4/4/1937, Vương Kiến An tới gặp trưởng phòng bảo vệ Đại học Hồng quân báo cáo việc Hứa Thế Hữu và các chiến hữu chuẩn bị bí mật rời bỏ trường để tới Tứ Xuyên nhờ cậy Lưu Tử Tài. Vừa nghe tin này, Mao Trạch Đông đã nổi trận lôi đình, ra lệnh cho Lâm Bưu (lúc này là Hiệu trưởng trường Đại học Hồng quân): "Bắt ngay bọn Hứa Thế Hữu cho tôi".

Share this post

About Naveed Iqbal

Nulla sagittis convallis arcu. Sed sed nunc. Curabitur consequat. Quisque metus enim venenatis fermentum mollis. Duis vulputate elit in elit. Follow him on Google+.

0 nhận xét:

About-Privacy Policy-Contact us
Copyright © 2013 Võ thuật Cổ Truyền - Võ Cổ Truyền Việt Nam - tin tức liên đoàn Võ thuật cổ truyền. Distributed By Võ thuật cổ truyền Việt Nam | Blogger Template by Trung Đức
Proudly Powered by Võ Cổ truyền Việt Nam Phát triển xây dựng nội sung Bánh ngọtViệt Nam Bánh kem Hương vị Việt #banhngotvn Xem nhiều mẫu bánh sinh nhật võ thuật
back to top