Nghệ thuật trong võ thuật - võ thuật, cuộc sống và các bộ môn nghệ thuật

Posted at  tháng 11 14, 2019  |  in  Tinh-hoa-Võ-thuật

Có lẽ chẳng cần xem xét rằng trong ngành Võ có nghệ thuật hay không. Bởi, trong dòng sinh hoạt thường hằng nghề ngành gì lại chẳng cần, có, hoặc liên quan tới nghệ thuật. Nghệ thuật là chỉ chung những việc làm có tính chuyên môn, đòi hỏi sự giỏi giang, khéo léo, nhằm đưa tới cái hoàn hảo nhất, cái đẹp. Có cả nghệ thuật mua bán, giao tế; nghệ thuật cắm hoa xẻ gỗ; thậm chí nghệ thuật khóc, cười, nghệ thuật nấu một cái … lẩu lươn kia mà. Điều cần bàn ở đây là vai trò của nghệ thuật trong Đạo và nghệ thuật của Võ như thế nào.


Trong Đại Nam Quốc Âm tự vị, khi định nghĩa chữ võ, Huỳnh Tịnh Của có ghi: “Coi chữ Vũ” (QATV quyển hạ, trang 555, cột Phải). Khi định nghĩa chữ Vũ, tác giả lại ghi: “Coi chữ Võ” (QATV quyển hạ, trang 562, cột Phải). Hán tự, khi ta phát ra quốc âm có những chữ đọc trại đi, thành dị âm đồng nghĩa (những cặp Huỳnh – Hoàng, Nghinh – Nghênh, Giái – Giới, .v.v..). Chữ Vũ được đọc ra chữ Võ (Võ thuật hay Vũ thuật). Nhưng Võ đây có định nghĩa rõ ràng trong hầu hết các từ điển là: “Luyện gân cốt, nghề chiến đấu” (QATV – Huỳnh Tịnh Của); là: “Thuộc về dùng sức, dùng quân đội” (Tự điển Việt Nam, Ban Tu Thư Khai Trí – 1971 – trang 922); là: “Chỉ chung việc làm dựa trên sức mạnh – chỉ việc quân sự” (Hán – Việt Tân tự điển Nguyễn Quốc Hùng, trang 796); là: “Art of fighting – nghệ thuật chiến đấu” (Vietnamese English dictionary, Bùi Phụng – trang 947).

Vậy, Võ (Vũ) không có ý nghĩa múa (Dance). Tuy nhiên về mặt ngoại hình, Vũ (múa) không có nội dung võ, nhưng võ lại có sự biểu trưng của múa, vờn. Do vậy từ lâu trong dân gian, trừ những lúc thượng đài (đấu võ), hoặc đang tranh đấu với ai đó (đánh võ), người ta gọi luôn là múa võ, múa quyền. Ngay cả khi có trang bị vật dụng binh khí, võ cụ, cũng gọi là múa roi, múa kiếm, múa gậy … Như vậy, trong một chừng mực nào đó, võ có cách múa. Chính điểm này, võ có khả năng trình diễn như một nghệ thuật thể hình.

Trong quan hệ xã hội người, lúc hãy còn thiếu từ ngữ (hoặc trường hợp dị ngôn) thoạt kỳ thủy con người phải ra dấu, thay tiếng, bằng mắt, miệng, tay, chân. Bằng vào ý nghĩa ngôn tự, vào sắc thái tình cảm, mà sự ra dấu khác nhau. Lúc hạnh phúc, mừng rỡ, tán đồng, người ta vui vẻ bắt tay, ôm nhau, vỗ tay; thậm chí vờn múa hả hê. Vạn vật cũng có cách múa của nó khi vui vầy: con công xòe đôi cánh, chó vẫy đuôi, bầy én chao liệng mùa xuân, chim đá cá trừng. Một khi bất đồng, phản kháng, giận dữ, con người có sự chỉ trỏ, xô đẩy, thủ thế, những sinh vật khác cũng không ngoài qui luật tự vệ, sinh tồn, nên chó, mèo, cọp, khỉ mỗi loài đều có mỗi thế “võ” của chúng. Tóm lại, võ là khoa học về phương pháp tự vệ, hoặc tấn công kẻ khác bằng sức mạnh, hay phương tiện tạo ra sức mạnh. Có sức mạnh thì có sự tàn phá. Để hạn chế sự tàn phá của Võ, đã có Đạo.

Võ không chỉ có kim chỉ nam là Đạo, mà cần có cái Nền, là Thuật. Thuật đây gồm kỹ, mỹ và nghệ thuật. Kỹ thuật là cái kỹ năng, là phần khoa học trong trong lãnh vực dạy võ, học võ, hành võ; là phương pháp xử lý sao cho chính xác, đạt hiệu quả cao nhất trong hoàn cảnh. Mỹ thuật là tinh thần thượng võ, cái nhân bản sáng tỏa bên trong, và thể hình sức lực bên ngoài. Người lực sĩ, võ sĩ, trước tiên phải đẹp từ trong cốt cách tinh thần mới ra ngoài hành động; từ cuộc sống bình thường tới lúc thượng võ đài. Chính cái đẹp bên trong chủ đạo cái đẹp hành động bên ngoài. Tổng thể thẩm mỹ này có ý nghĩa bảo chứng cho sức sống của Võ.

Vậy nghệ thuật ẩn tàng chỗ nào trong võ? Đó là sự hòa quyện, kết tinh giữa kỹ thuật và mỹ thuật để tạo khởi một nội dung thuần khiết, đưa tiến trình hành động tới chỗ cao hơn, hoàn chỉnh; đẩy tới chỗ phần hữu hình của Đạo. Kỹ thuật là phần nâng cao, làm rộng sức mạnh. Nghệ thuật là phần tinh túy của võ. Nghệ thuật càng thâm sâu, càng huyền nhiệm, thực tế của võ càng đơn giản, nhưng tinh vi huyền ảo; thậm chí gọi rằng “vô chiêu”. Lúc ấy, sử dụng không khí, hóa gió, khiển mây, dùng thanh thay lực; sử dụng những thành phần ấy như từng sử dụng binh khí.

Để giải thích chỗ này, có người bảo rằng võ thuật Đông Phương có nền móng trong cái nôi của nền văn hóa Tâm Thức. Cái Tâm và cái Thức ấy nằm trong ba dòng nguồn cội: Phật, Lão, Khổng. Nó thể hiện trọn vẹn, dứt khoát sự Xuất Nhập; hoặc giả nhập mà man mác như xuất, xuất mà hiện hữu như nhập. Cho nên, võ thuật đã mang không ít tính siêu nhiên và ý nghĩa siêu hình. Võ sư có khi là Đạo sĩ, Thiền giả. Võ nghệ cao cường lại sản sinh trong chùa chiền. Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc. Võ là hiện thực của đấu tranh, lắm khi lại nhuộm màu Lão Trang, nên nghệ thuật Sống, trong Võ, rất thênh thang cao khiết. Hành trình của võ thuật Đông Phương không thông qua – nếu không muốn nói là phó mặc – cái gọi là khoa học duy lý, mà là Tâm Đạo. Có người hành võ mà tầm ra đạo, đi từ bên này bến mê sang được bờ giác bên kia, thông qua đại ngộ.

Từ tâm thức ảo diệu trên, chúng ta khó tìm thấy môn võ xuất hiện ở phương Đông có lối đánh hùng hục như Boxe, cho dù đó là những môn võ “son trẻ” được hiện đại hóa, kết hợp Đông Tây như Nhu Đạo, Karatedo, Thái Cực Đạo, Vovinam … Võ Phương Đông nói chung, và Việt Nam nói riêng, có những đặc trưng sau đây – cũng là nội dung nghệ thuật – là: lấy nhu trị cương, dứt khoát mà tinh tế; hoành mà tung, kinh mà quyền (hay ngược đảo lại); cái hiểm ẩn tàng trong sự uyển chuyển; vẻ đẹp thể hiện trong bước quyền, cước; chỗ thượng thừa thì tâm, linh, trí, lực quyện làm một; và khả năng đích thực của Võ Thuật là đưa tới sự chinh phục, hoàn thiện một hoàn cảnh hay một tình thế, hơn là có ý nghĩa triệt hạ, tàn sát.

Nghệ thuật trong võ thuật có tác dụng gạn lọc, loại bỏ những hành vi thô bạo, thế tục, vụ lợi. Do quan niệm khắt khe – và do cái thực tế không kém phần thô bạo của một số võ quan, võ sĩ – mà ngày xưa ông bà ta có trọng văn khinh võ; xem con nhà võ là thành phần tổng hợp bởi những cơ bắp, dọa dẫm kẻ yếu bằng những thứ binh khí rổn rảng chốn võ biền.

Ngày nay quan niệm trọng văn khinh võ đã trở nên xa lạ, trong một xã hội mong muốn hòa bình, nhưng mỗi con người phải có khả năng chinh phục, và không dễ dàng bị chinh phục. Võ thuật đã là một khoa học của sức mạnh mang tính nhân văn. Do nhu cầu sinh hoạt của con người mà có, vậy võ thuật sẽ được cải tiến, tồn tại mãi cùng với những sinh hoạt hữu ích khác. Mỗi cá nhân được may mắn tiếp cận với võ thuật, là con nhà võ, nếu cố gắng tu luyện, sẽ đạt tới chỗ lành mạnh, cân bằng, điều hòa tâm, sinh, thể, trí. Ở chừng mực nào đó, võ thuật có vai trò làm sáng tỏ, chứng minh rằng xã hội con người hãy còn tồn tại lòng vị tha bác ái, đức tính dũng cảm, chân thật.

Nghệ thuật nào cũng có một mục đích duy nhất là phục vụ cho Nghệ thuật Sống. Mà nghệ thuật sống, có một ý nghĩa tích cực và triệt để, là làm sao cho mỗi cá nhân trong mỗi xã hội càng ngày càng tiến tới hoàn chỉnh chất Người. Mong rằng trong đó có đóng góp của võ thuật, một nghệ thuật của khoa học sức mạnh, khác với thế giới chữ nghĩa, nhưng hoàn toàn không đối lập, mà đầy đậm bản chất nhân văn.

Cung Tích Biền
Võ thuật và các bộ môn nghệ thuật
Điện ảnh
Võ thuật và các bộ môn nghệ thuật sân khấu, điện ảnh gắn bó với nhau từ rất lâu, nhưng hầu như chỉ bắt đầu phát triển mạnh mẽ với sự xuất hiện của Lý Tiểu Long trong loạt phim quyền cước do anh thủ vai diễn viên chính như Thanh Phong Hiệp, Đường Sơn Đại Huynh, Tinh Võ Môn, Long Tranh Hổ Đấu, Mãnh Long Quá Giang, Tử Vong Du Hí. Sau anh, rất nhiều diễn viên, võ sĩ đã tham gia diễn xuất như Khương Đại Vệ, Địch Long, La Liệt, Vương Vũ, Trần Tinh, Trần Quang Thái, Phó Thanh, ... là những diễn viên nổi tiếng của Hồng Kông vào những năm đầu thập kỷ 1970, sau này còn có thêm Thành Long (Jackie Chan), Hồng Kim Bảo, Quan Chi Lâm, Hà Gia Kính, Lý Liên Kiệt(Jet Li), Triệu Văn Trác, Chân Tử Đan (còn gọi là Chung Tử Đơn), Phàn Thiếu Hoàng, Ngô Kinh, Chu Nhuận Phát, với loạt phim về Hồng Hi Quan và Phương Thế Ngọc, Nam Thiếu Lâm,Hoàng Phi Hồng, Hoắc Nguyên Giáp, Nghiêm Vịnh Xuân và Vịnh Xuân Quyền, Hồng Gia Quyền, v.v.

Dòng "phim chưởng" nhiều tập một thời phát triển mạnh mẽ từ những năm cuối của thập kỷ 1960 ở Hồng Kông và các nước trong khu vực Đông Nam Á hiện đã dần nhường chỗ cho sự xuất hiện của những phim một tập được phương Tây đánh giá cao như phim Anh hùng, Ngọa Hổ Tàng Long, Thập diện mai phục, Kungfu, v.v. Và gần đây nhất là Tony Jaa, một chiến binh Muay Thái xuất sắc, anh đã cho ra series phim OngBak (Truy tìm tượng Phật) và Tom Yung Goong (The Protector), những pha hành động của anh làm bao nhiêu người phải thán phục, nhào lộn và trình diễn võ thuật. Có thể nói anh là lớp trẻ sau này nối tiếp Lý Tiểu Long, Thành Long và Lý Liên Kiệt.


Vũ đạo
Vũ đạo là một loại hình nghệ thuật múa cổ truyền của Trung Hoa, loại hình nghệ thuật này phổ biến mạnh từ các bộ tộc người Hán ở phương bắc Trung Quốc từ khu vực nội Mông cho đến các vùng Hoa Bắc, Sơn Đông và Hà Bắc (Trung Quốc).

Vũ đạo có một vai trò ảnh hưởng nhất định đến các bộ môn võ thuật thuộc miền Bắc Trung Hoa làm cho văn hóa nghệ thuật của đất nước này trở nên đa sắc thái và giàu tính nhân văn.


Kinh Kịch
Kinh kịch là một loại hình nghệ thuật biểu diễn sân khấu cổ truyền của Trung Hoa thường có các màn biểu diễn võ thuật cổ truyền Trung Hoa.

Các thể loại phim quyền cước còn được gọi là phim Kungfu của Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan không phải là loại phim hành động của Mỹ mà thật ra có nguồn gốc từ Kinh kịchdo các diễn viên và đạo diễn sân khấu chuyển sang.


Tuồng, Chèo
MỞ MÀN

Quang cảnh trước sân đình, ngày hội làng được mùa tại nông thôn miền Bắc (Sơn Tây), hai bên trai gái quây quần hát quan họ (Bài Thanh Bình Ca), rồi rút vào. Tiếp theo đó, một đoàn thôn nữ xuất hiện với bài ca và điệu vũ ca ngợi được mùa. Một lúc sau, đoàn thôn nữ múa hát lùi dần vào hậu trường, chỉ còn tiếng hát xa vời, rồi tắt hẳn....

THANH BÌNH CA

NỮ:

Kiếp người là người ngắn ngủi ớ ớ ơ ớ ớ ớ
Ngắn ngủi bóng câu qua thềm (láy)
Hỏi người là người trai Việt ớ ớ ơ ớ ớ ớ
Tinh thần, tinh thần yêu nước ra sao ? Anh Hai đó ơi (i hi)
Hãy trả áo cơm cho đời (láy)

NAM:

Quyết rằng là rằng quyết trả ớ ớ ơ ớ ớ ớ
Quyết trả áo cơm cho đời (láy)
Hỏi người là người thanh nữ ớ ớ ơ ớ ớ ớ
Tâm đồng, tâm đồng gánh vác giang sơn ? Cô Ba đó ơi (ihi)
Nghĩa cả sáng hơn trăng rằm (láy)

NỮ:

Nghĩa rằng là rằng nghĩa cả ớ ớ ơ ớ ớ ớ
Nghĩa cả sáng hơn trăng rằm (láy)
Hỏi người là người trai Việt ớ ớ ơ ớ ớ ớ
Nguyện gì, nguyện gì dưới ánh gươm thiêng ? Anh Hai đó ơi (ihi)
Nước Việt sáng tươi muôn màu (láy)

NAM:

Nước rằng là rằng nước Việt ớ ớ ơ ớ ớ ớ
Nước Việt sáng tươi muôn màu (láy)
Thỏa lòng là lòng mơ ước ớ ớ ơ ớ ớ ớ
Thanh bình, thanh bình khucù hát chơi vơi, cô Ba đó ơi (ihi)
Thanh sử nét son tô bồi (láy)

NỮ:

Thanh rằng là rằng thanh sử ớ ớ ơ ớ ớ ớ
Thanh sử nét son tô bồi (láy)
Hỡi người là người trai Việt ớ ớ ơ ớ ớ ớ
Đi vào, đi vào nếp sống cao sang, anh Hai đó ơi (ihi)
Võ Đạo viết lên ngang trời (láy).

ĐƯỢC MÙA

Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát
Ánh trăng thanh chiếu qua làng xơ xác
Chiêu hồn quê bao khúc ca yêu đời (láy)

Mừng trăng lên chúng ta cùng múa hát
Ước mong sao luau hai mùa thơm ngát
Lúa về mang bao khúc ca tuyệt vời (láy)

Lờ lững trôi qua trôi mãi trong chiều tà tiếng tiêu buồn êm quá.
Hồn ngất ngây trong tiếng hát đưa nhịp nhàng tiếng cười thơ ngây.
Mừng trăng khuya tiếng chày chênh chếch bóng khuất sau rặng tre thưa.
Tiếng ai hò chập chùng xa đưa.
Hò là hò lơ hó lơ hò lờ, nầy anh em ơi giã cho thật đều, giã cho thật nhanh, giã cho khéo kẻo trăng phai tàn. Khoan hò khoan tiếng chày khua vang mãi trong đêm tàn. Hò là hò lơ hó lơ hò lờ.


Chiếc quán bên đường có một mái hiên, bên ngoài bày hai chiếc bàn nhỏ lơ thơ một ống đũa, mấy chiếc chén úp, mộït điếu thuốc lào và mấy chiếc ghế gỗ (khoảng 1/3sân khấu). Nàng Ba đang loay hoay dọn dẹp bên trong quán.

ÔNG LỘC HỘ: (bước vào, khoan thai ngồi xuống phía bàn bên trái ngoài hiên)

Nào cháu Ba! Cho ta bát nước che tươi...
Nắm lá chè xanh cháu vẫn hái trên đồi
Ướp hoa bưởi, hoa nhài trong xóm nắng...

NÀNG BA: (Kính cẩn chào và mang ấm ra rót vào chiếc bát trên bàn được mở ra)

- Thưa thầy Lộc, hội làng ta đã vãn
Còn em Tư, sao chưa thấy trở về ?
Nó lại ham chơi ...

ÔNG LỘC HỘ: (cười vui vẽ):

- Nó tiễn bạn bè
Vừa mãn khóa đầu quân đi giúp nước
Ta hiểu lắm, cháu ba, trận Thăng Long thưở trước
Giặc vào thành, tàn sát hết sinh linh
Hưng Đạo Vương nhất đáng phải lui binh
Gia đình cháu...
(Nàng Ba xúc động, ngồi xuống ghế ôm mặt khóc, làm ông ngừng lại một chút, đổi hướng chuyện)
Ồ chuyện xưa tiếp diễn
Giặc đại bại lần đầu chưa nguôi hiếu chiến
Lại tính trò sách nhiễu dọa binh đao
Quê hương ta đành mài kiếm luyện anh hào ...!

NÀNG BA: (Lau nước mắt đứng lên):

Thưa thầy Lộc, vì khí thiêng tiếp nối
Song thân cháu ngày xưa ... khi hấp hối
Vẫn không quên trăng trối với đàn sau:
Nước non này không thoát khỏi binh đao
Phải luyện võ, dựng anh hào cứu nước...

ÔNG LỘC HỘ:

Đúng, phải giữ vững cơ đồ thuở trước
Bằng bàn tay dũng lược trước thù xa
Bằng trái tim từ ái trước dân ta
Chí hướng đó tỏ như vầng nhật nguyệt
Đẹp như hoa, nhưng vững như núi biếc
Dài như sông và rộng tựa đại dương ...
(có thể hát điệu lý con sáo)
Bởi tình đất nuớc quê hương
Dùng chân lấy xã Đông Bang làm nhà
(làm, làm nhà, làm nhà ở xã Đông Bang)
Chợt quên nếp sống giang hà
Mở trường dạy võ dân ta giúp đời...
(giúp, giúp đời, giúp đời dạy võ thanh niên)
(Ông nhấp một hốp nước, trong lúc từ xa có tiếng vó ngựa nổi lên gần dần)
Lợi danh là bóng mậy trôi
Nước non là chuyện muôn đời bền lâu...
(Chuyện, muôn đời, muôn đời non nước yêu thương)

ĐOÀN TỰ TÔN: (Hiên ngang bước vào, phía ngoài còn tiếng ngựa hí vọng theo.

Chàng thoáng quan sát, rồi ngồi xuống chiếc bàn đối diện với ông Lộc Hộ, cởi bao kiếm dằn mạnh lên bàn tay đầy vẻ oai phong lẫm liệt, rồi cất giọng sang sảng hách dịch về phía nàng Ba):
Cô chủ quán! Cho ta hồ rượu quý
Nhớ thịt mềm chiên nhấy gấp vài cân
Tráng sĩ ta, vó ngựa thấm phong trần
Mau rượu thịt tẩy trần cho ấm bụng !

NÀNG BA:

Thưa ! quán nghèo chốn đồi cao gió lộng
Dám đâu khoe hải vị với sơn hào...
Chút nem chua xin thế thịt chiên xào ...

ĐOÀN TỰ TÔN:

Ồ...! Được thôi...! Nhớ cho ra rượu quý
Một bình men Đông Hải nhớ đong nay
Uống một bình xem thế sự vần xoay
Sao Hôm đó hóa sao Mai trong khoảnh khắc
(Nàng Ba lui vào, Đoàn Tự Tôn cảm khái rút kiếm gõ lên mặt bàn ngâm):
Bừng bừng uy vũ cõi trời Nam
Muôn thuở còn vang tiếng họ Đoàn
Ơn nước không quên thề bách thắng
Nghĩa nhà dám vượt cuộc thiên nan
Kiếm thần tỏa sáng muôn cường địch
Ngựa báu tung hoành vain ải quan
Đổi loạn thành yên thay tạo hóa
Anh Hùng nhất thống một giang san...
(chợt nhìn sang bàn ông Lộc Hộ, khẽ nhíu mày, vổ mạnh kiếm xuống bàn hách dịch hỏi):
Này lão hữu ! Bộ đồ kia ... Hừ ! võ phục
Thật hay đùa ! dám mặc dọa nhi đồng !
A ...! Có điều ta hỏi, biết hay không !
Phải nói that chớ quanh co, lỗ mỗ
Này! Có biết cửa nhà ông Lộc Hộ...?

ÔNG LỘC HỘ: (Ngạc nhiên)
Lộc Hộ...?

ĐOÀN TỰ TÔN:

Hừ, người phải gọi là Ông Lộc Hộ
Để biểu dương tôn kính bậc hiền tài

ÔNG LỘC HỘ: (hỏi lại)
Ông Lộc Hộ ...

ĐOÀN TỰ TÔN:

Người anh hùng suốt một lộ Quốc Oai
Hừ, vị đó chính là Ông Lộc Hộ
Giết giặc gúp đời, gần xa mến mộ
Suốt Đà Giang cho tới Phụng Hoàng Sơn
Từ Thăng Long trẩy xuống lộ Thiên Trường
Đều khét tiếng Đệ Nhất Nam Phương Võ Sĩ.
Núi Đa Chông đánh tan loài thổ phỉ
Chặn sông Lô, tận diệt giặc trên nguồn
Như tiềm long, hiện biến đó ai lường
Mới thấy khúc đầu, mình đuôi biến mất
Sớm đó Ba Vì chiều qua Thạch Thất
Rồi, cần câu thuyền nhỏ thoắt sông Đà...

ÔNG LỘC HỘ: Tráng sĩ quá lời

ĐOÀN TỰ TÔN: (Rót rượu tợp một hơi uống cạn, cười ha hả):

Ta sợ vẫn nôm na
Không diễn tả nổi chân dung người được
A ... Vị đó có tên là Thầy Lộc
Quanh quất đâu đây dạy võ giúp đời
Nào tiên sinh, có biết, nói ra lời ...?

ÔNG LỘC HỘ: (Thở dài)

Tôi có nghe đó là người tri bỉ
Tự biết mình tài trí kém người xưa
Nên xếp gươm, buộc sách lánh sông hồ
Câu danh lợi thả trôi trên dòng suối ...!

ĐOÀN TỰ TÔN: (Vổ bàn quát)

Người biết gì đến nước nguồn, cây cội !!
Dám coi thường khí tiết bậc hùng anh !
Thấy rồng bay dám nghĩ rắn trong tranh
Nghe sấm nổ tưởng nồi cơm động vỡ!
(lại uống và ăn nhồm nhoàm)
Ta cấm đó ! Phải, vì... Ông Lộc Hộ
Người ta tìm vò võ đã ba thu...

ÔNG LỘC HỘ: Có phải ruổi rong vì tráng sĩ muốn thù ?

ĐOÀN TỰ TÔN: (Lại nổi giận quát tháo ầm ỉ)

Lại láo khoét ! Dám đặt điều vô lễ
Ta họ Đoàn, muốn phục hưng nhà Đại Lý
Cháu đích tôn Đoàn Thượng đại anh hùng
Giận vì quân Thủ Độ quá gian hùng
Đào hầm lợp cỏ lễ Thái Đường diệt Lý
Giật hầm sập, chôn sống mấy trăm người đang tế lễ
Bắt Chiêu Hoàng bé tý phải nhường ngôi
Tổ phụ ta thề chẳng đội chung trời
Cùng Nguyễn Nộn dấy binh trừ Thủ Độ
Ghê cho lão gian hùng bày trò Lục Sở
Chia đất giảng hòa chân vạc, thế tam phân
Súc siểm Nguyễn kia đột kích họ Đoàn
Rồi trở mặt dấy binh tiêu diệt Nguyễn
Từ đó sài lang nghênh ngang chính điện
Chính nghĩa diệt Trần phù Lý hóa tiêu vong...

ÔNG LỘC HỘ:

Từ đó thù kia tráng sĩ ghi lòng ...?
Muốn khôi phục một ngai vàng đổi chủ ?

ĐOÀN TỰ TÔN:

Phải, vì thế, ta muốn tìm ông Lộc Hộ
Nhờ một tay, làm lại chuyện hưng binh ...!

ÔNG LỘC HỘ:

Căn cứ vào đâu, người muốn chuyện tày đình ?

ĐOÀN TỰ TÔN: (Cười ha hả, lại uống)

Ếch đáy giếng hiểu trời cao bằng miệng thúng
Người u mê thích nói chuyện trên trời
Túc hạ biết không ? Trò vật đổi sao dời
Sắp tái diễn triền miên trên đất Việt!
Kìa Mông Cổ, đám binh hùng chém giết
Vượt Trường Thành, diệt Tống với bình Kim
Lửa Bắc Kinh ngùn ngụt bốn mươi đêm
Thây tử sĩ chất cao hơn đỉnh núi
Như bảo tố cuống phong ào ào cuốn tới
Suốt Đông Âu, Tiêu Á thoắt tơi bời
Vùng Cận Đông nay gió máu tanh hôi
Nước La Sát chìm trong màu khói lửa
Chúng thừa thắng, nhắm Tây Âu tiến nữa
Rồi thăm dò trận nhỏ nước Nam này
Hai ngàn quân dưới trướng Ngột Lương Hợp Thai
Mới ấp đánh, Trần Triều lùi hết cỡ
Như gió lốc ập vào Thăng Long bỏ ngỏ
Tàn sát dân ta già, trẻ, gái, trai
Hưng Đạo Vương lùi về lộ Quốc Oai
Thu thập tàn binh cố tìm đường sống
Trần Nhật Hiệu muốn hàng, nêu câu nhập Tống
Vua toan theo, ngại Thủ Độ mưu đồ
Dám ba hoa: Đầu chưa rơi, xin bệ hạ đừng lo
May giặc nhỏ, mới còn cơ cứu độ
Và cũng nhờ giặc không quen thủy thổ
Ốm bò lê, nên rượt đuổi tơi bời
Nhưng rồi sau, lại tiến cống từng hồi
Giặc bắt nộp bốn hạng người: Nho; Y; Lý; Thủ
Về tiến vật, lại trò xưa tích cũ
Bắt về Tàu kỳ vật nước Nam ta
Nào, bây giờ ta hãy thử bàn xa
Theo túc hạ, giặc hòa hay đánh nữa ?

ÔNG LỘC HỘ: Ôi vận nước, lại mắc vòng binh lửa ...!

ĐOÀN TỰ TÔN: (lại uống và khinh bạc)

Ta khá khen túc hạ hiểu thời cơ
Đã tới hồi hưng phục Lý triều xưa...

ÔNG LỘC HỘ: (giật mình thoáng sửng sốt)

Tráng sĩ nói gì, kẻ ngu phu không kịp hiểu
Sao giặc tới, phải tống tân nghênh cựu ?

ĐOÀN TỰ TÔN: (cười ha hả)

Có gì đâu túc hạ, thế tam phân
Nước Nam ta sẽ diễn lại một lần
Nhờ Mông Cổ sẽ diệt Trần hưng LÝ
Từ Vân Nam, Đoàn gia bên Đại Lý
Chạy về Nam cùng hợp sức điều quân
Ta chờ coi Mông Cổ phá nhà Trần
Sẽ xuất phát phục hưng nhà Đại Lý
Đất nước ta, rồi vang danh bốn bể
Từ Vân Nam chạy suốt tới Diễn Châu...
(lại uống rượu)
Chà, mãi vui, cần lập lại từ đầu
Đại sự ấy, phải một người cầm soái ấn
Chà, người đó ẩn danh, thừa tài lược trận
Chính duệ tôn vọng tộc Lý triều ta
Túc hạ biết không, người đó chính là...

ÔNG LỘC HỘ: (cười ngất)

Ông Lộc Hộ ...?

ĐOÀN TỰ TÔN: (Trừng mắt,. Đứng vụt dậy rút gươm)

Sao dám kêu căng cười ngất
Ông Lộc Hộ, vi anh hùng Thạch Thất
Chính tiềm Long ở ẩn Phượng Hoàng Sơn
Người ta tìm, người đó phải phi thường
Sao dám buông lời...

CẬU TƯ: (Em trai nàng Ba, vừa dẫn sứ giả Trần Thành tới, khoanh tay lên tiếng):

Dạ thưa thầy Lộc!
Ông khách lạ hỏi thăm đường, gặp con trên triền dốc
Ngựa lạc trong rừng, người hoảng hốt đã nhiều đêm...

ÔNG LÔC HỘ: (Giật mình quay lại hỏi khách)

Người tìm ai ?

TRẦN THÀNH: (Cung tay kính cẩn):

Mộ danh ông Lộc Hộ
Suốt tháng trường ruổi rong trên mình ngựa
Lạc lối rừng, không đến nỗi Phượng Hoàng Sơn
Rủi hóa may, gập cháu nhỏ bên đường
Lão gợi ý, mới về nay diện kiến!

ĐOÀN TỰ TÔN: (sửng sốt đứng bật dậy, chỉ vào ông Lộc Hộ hỏi hoảng hốt):

Ông Lộc Hộ... Không, không, người lầm sông với biển
Biển hay sông...? Chẳng lẽ mắt không tròng
Người là ai...? Ông Lộc Hộ phải người không?

NÀNG BA: (bước ra, trong lúc ông Lộc Hộ tủm tỉm cười)
Ông Lộc Hộ cũng có tên thầy Lộc
Từ Phượng Hoàng Sơn về ẩnnáu xã Đông Bang
Tráng sĩ vừa khen Rồng ẩn với Ngu Lang...

ĐOÀN TỰ TÔN: (vội quỳ xuống vài như tế sao, giọng nghẹn ngào thảng thốt)

Ông Lộc Hộ phải rồi... Người ở ẩn...
Tuổi trẻ vô tình, xin người chớ giận...
Sư Phụ ! Đệ tử mỏi công tìm
Suốt ba năm ruổi ngựa suốt ngày đêm
Mỏi mắt tìm người như chim non tìm mẹ
(Chỉ vào Trần Thành)
Thưa Sư Phụ ...Người này, sao... cũng thế ?
(Lùi lại, quan sát một lúc)
Đúng người rồi gian kế của Trần Triều!
(Tiến tới sờ mó vào y phục của khách lạ)
Hắn giả lái buôn đi lục lọi ở xóm nghèo
Hòng truy diệt duệ tôn nhà họ Lý!
(Hung hăng rút gươm)
Xin Sư Phụ đừng can ngăn đồ đệ
Kiếm long tuyền phải giết kẻ hung tàn!
Nghĩ tới Trần Triều, ôi ứa máu sôi gan...!
(Định ra tay, nhưng bị cậu Tư ngăn lại)

CẬU TƯ:

Đồ lỗ mãng mau dừng ngay kiếm lại!
Nói ba hoa nào Sư Phụ, Môn Đồ
Khách của ta sao giở thói côn đồ ?
(Trần Thành lùi lại, Ông Lộc Hộ gật đầu ra hiệu ngồi xuống)

ĐOÀN TỰ TÔN: (cũng hung hăng nồi giận)

Tên tiểu tặc dám bênh Trần chống Lý
Trước Thái Sơn còn giở thói hung hăng
Rởn oai hùm, ta sẽ chém đầu phăng...!
(Cả hai cùng thủ thế. Trận đấu diễn ra chớp nhoáng giữa Đoàn Tự Tôn dùng kiếm và cậu Tư tay không. Chỉ vài thế , cậu Tư đã đoạt được kiếm và đánh ngã đối thủ)

ÔNG HỘC HỘ: (ôn tồn nâng Đoàn Tự Tôn dậy và ra hiệu cho cậu tư trả kiếm cho
chàng)

Xin thứ lỗi tiện đồ vừa thất lễ
Việc còn đó, có gì mà tức khí
Xin nể tình bộc trực của lão phu
Mời tráng sĩ ngồi...
(Và khoát tay quay sang Trần Thành)
Tiên sinh an vị
(Cả hai kéo ghế ngồi xuống hai bên Ông Lộc Hộ. Ông quay sang Trần Thành)
Kẻ ngu phu biết sơ tài thiển trí
Trót lánh mình miền cỏ nội hoa ngàn
Bên Hươu nai mong hưởng thú an nhàn
Có điều chi khiến triều đình trọng vọng
Cử túc hạ tới vấn an đời sống?

TRẦN THÀNH:

Túc hạ khiêm nhường tôi biết nói sao nay?
Vận nước đảo điên làm thế sự vần xoay
Giặc Mông Cổ đánh Kinh Đô, người đã biết
Suốt Thăng Long true già đều bị giết
Xác lương dân xếp đống chật đường đi
Thế giặc trùng trùng suốt giải biên thùy
Cảnh xâm lược name xưa toan tái diễn
Hưng Đạo Vương biết nước nhà nghịch biến
Vội ngày đêm thao dượt, chống quân Mông
Nghe đại danh người chẳng quản núi sông
Sai tại hạ tới thỉnh cầu, xin giúp nước...

ĐOÀN TỰ TÔN: (vổ bàn thét)

Lại Thủ Độ, trò hề mua chuộc
Đem lợi danh, nhử kẻ anh hùng
Sư Phụ đừng tin, tiếp sức lũ ngông cuồng
(Xa xa chợt có tiếng la thép ầm ầm, tiếng vó ngựa rượt đuổi, cảnh đốt phá
sáng rực, cùng với tiếng người kêu khóc dồn dập)

ÔNG LỘC HỘ: (vội đứng bật dậy)

Giặc đã về, xin khoan câu khách lễ
Cháu Tư đâu! Ra nghe ngóng tình hình...
(Cậu tư vâng mệnh đi ngay)

ĐOÀN TỰ TÔN: (Vùng đứng bật dậy)

Chẳng có lẽ là.. tiền quân Đại Lý?

TRẦN THÀNH: (Ngơ ngác, hoảng hốt)

Đại Lý nào?

ĐOÀN TỰ TÔN: (cười ngất)

Đại Lý của thiên đình
Từ Vân Nam, xuống diệt ngụy Trần thoán nghịch
Thưa Sư Phụ đó là ta, không là địch ...
(Tiếng ngựa hí quân reo, tiếng kêu khóc gần hơn. Cậu Tư hốt hoảng chạy vào)

CẬU TƯ:

Đám tàn quân Đại Lý từ Vân Nam...
Sư Phụ ơi...!Chúng đốt phá xóm làng
Cướp tài vật, giết người như đốn củi
Người ngựa trùng trùng, chúng đang ập tới...

ÔNG LỘC HỘ: (Mỉm cười quay sang Đoàn Tự Tôn)

Đoàn Tự Tôn .. Phải Đại Lý họ Đoàn
Đang vung bàn tay khát máu bạo tàn
Giết đám dân hiền vô tội?

ĐOÀN TỰ TÔN: (Lúng túng)

Không, không, không phải tiền quân Đại Lý...

ÔNG LỘC HỘ: (Đanh thép)

Dù chúng là ai, cũng giống tanh hôi
Đã giết dân. Là thù địch với ta rồi
Cháu Ba, cháu Tư, cháu Đoàn cùng sứ giả
Mau rút lui để mình ta tử thủ ngăn đường...

NÀNG BA: (chạy ra quỳ xuống)

Cháu không đành chạy giặc bỏ quê hương
Mặc thày Lộc chặn đường quân giặc dữ!
(quay sang mọi người hỏi lớn)
Các người biết mãnh hổ nan địch quần hồ chứ?
Đánh hay lùi, hãy nói rõ hết ra đi
Tài tướng quân đâu hãy tỏ mặt nam nhi...!
(mọi người đều hô đánh, trừ Đoàn Tự Tôn ngồi xuống ghế run lẩy bẩy)

ĐOÀN TỰ TÔN:

Không được đâu... giặc đông, đừng... tự tử !
Hàng là hơn rồi sẽ tính chuyện trùng hưng...

CẬU TƯ:

Nào ngựa, nào gươm, nào vỗ ngực anh hùng,
Thấy giặc đến ngồi run như cốt khỉ
Thế cũng khoe Tự Tôn nhà họ Lý ...!
(định xông lại hành hung, ông Lộc Hộ phải khoát tay can)

ÔNG LỘC HỘ:

Cháu Tư hãy khoan, đâu phải lúc thị cường !
(quay về phía Đoàn Tự Tôn)
Đoàn Tự tôn ngươi hãy trốn sau vườn...
(tiếng ngựa hí rồn rập, tướng giặc và một toán giặc khách xuất hiện)

TƯỚNG GIẶC:

Ta muốn biết: Có ai tên Lộc Hộ?
Lộc Hộ chính là người ta hâm mộ
Nói cho mau, không chớ trách vô tình !

ÔNG LỘC HỘ:

Xin tướng quân hãy bớt nổi lôi đình
Lộc Hộ chính là tôi, có điều chi chỉ giáo?

TƯỚNG GIẶC: (lùi lại, trỏ vào ông Lộc Hộ, cười ha hả)

Lộc Hộ đó ư? Thật tình hay nói láo?
Ta nghe danh, nay mới gặp nhà ngươi
Nhưng Nam Phương Dũng Sĩ là thực chất hay nói chơi?
Muốn thử kiếm, côn, quyền hay kích dáo?

ÔNG LỘC HỘ:

Kẻ ngu phu xin thêm lời thỉnh giáo
Thắng thì sao, va nếu bại thì sao?

TƯỚNG GIẶC:

Nếu ngươi thua, ta sẽ bắt về Tàu
Chừng người thắng
(cười vang)
Ta lui binh tức khắc!


ÔNG LỘC HỘ:

Lời nói đó lấy gì làm chính xác?

TƯỚNG GIẶC:

Ta xin thề!

ÔNG LỘC HỘ:

Quyền cước sẽ trận đầu.
Nào tướng quân, xin dẹp heat gươm đao...
(Trận đấu ác liệt đưộc diễn ra. Cuối cùng, tướng giặc bị ông Lộc Hộ khóa tay
giao cho cậu Tư. Rồi cấm kiếm dí vào ngực)
Trói nó lại đứng sau ta thành lớp...!
(mọi người đứng sau ông Lộc Hộ)

TƯỚNG GIẶC:

Mới có trận đầu, còn trận sau tiếp tục
Sau nhà ngươi...

ÔNG LỘC HỘ: (ấn mạnh mũi kiếm sát ngực tướng giặc)

Miễn nói chuyện hơn thua
Cứu quê hương đâu phải chuyện vui đùa
Mà tỷ võ..thôi mau ra lệnh thoái!

TƯỚNG GIẶC: Ta không nói...

ÔNG LỘC HỘ: (Múa kiếm ra oai trước mặt tướng giặc)

Phải mau mau kêu gọi
Không, chớ trách ta đường kiếm vô tình

(Lũ bộ hạ tướng giặc ngơ ngác, muốn tiến lên lại bị ông Lộc Hộ múa kiếm dọa giết, tướng giặc đành phải lùi)

TƯỚNG GIẶC: (cuốicùng sợ chết, đành lên tiếng)

Bớ ba quân! Hãy cấp tốc lui binh...!

ÔNG LỘC HỘ:

Phải lui binh mười dậm!

(lũ giặc rút khỏi, tướng giặc mới hoàn hồn khi ông Lộc Hộ thu kiếmlại)

TƯỚNG GIẶC:

Cởi trói cho ta. Ta đã làm theo lời dặn!

ÔNG LỘC HỘ:

Thả ngươi đi, để tiếp tục điều quân
Về bao vây, tàn sát xã Đông Bang?
Ngươi lầm rồi, chờ quân Nam sắp tới...
Ta sẽ bàn giao trước khi cởi trói...

TƯỚNG GIẶC:

Người anh hùng lấy thành tính làm đầu
Vậy mà ngươi nuốt lời hứa hay sao ?

ÔNG LỘC HỘ:

Có chứ, ta tín với dân, thành với nước
Còn quân xâm lăng như ngươi, ta đâu tha được !
(Mọi người hoàn hồn bao quanh ông Lộc Hộ)

NÀNG BA:

Thầy Lộc trí mưu, đổi Biến thành An
Cháu xin dâng chén rượu khải hoàn

CẬU TƯ:

Sư phụ ơi, tay không thầy đuổi giặc
Tự ngàn xưa, câu chuyện thật hoang đường

TRẦN THÀNH:

Lão cảm phục vị hiền tài Kinh Bắc
Trí mưu kia sẽ dẹp bọn ngông cuồng
Xin vì dân nhắc mệnh Hưng Đạo Vương
Mong túc hạ lên đường đi giúp nước...

ĐOÀN TỰ TÔN: (quỳ xuống)

Chút ảo vọng được thầy châm chước
Xin từ nay xóa hết mọi mưu đồ
Sư Phụ nhận cho... thâu nạp tiểu đồ...

ÔNG LỘC HỘ: (Đỡ Đoàn Tự Tôn dậy, nói với tất cả mọi người)

Đứng lên con! Lời con, ta chấp nhận
Kể từ nay, con phải quên thù hận
Rèn Tâm Thân vào Sức - Sống - Non -Sông
Đất nước nào riêng của một giống dòng
Đinh, Lê đó - đã Lý, Trần tiếp nối
Lẽ tuần hoàn. Từ vọng cơ sang thịnh hội
Mệnh trời ban ai tài đức kiên cường
Sông dài kia, sông khác lại dài hơn
Núi lớn đó, vẫn còn bao núi thẩm
(vái chào Trần Thành)
Kẻ sơn dã không quen nhìn trướng gấm
Xin tha cho, về neap sống sông hồ
Lộc Hộ tôi dành mắc tội cưỡng mệnh Vua
Chỉ ước nguyện lui về miền núi biếc
Lều cỏ,hang sâu, xem hoa, vịnh nguyệt
Nhưng vẫn không quên vận nước trước cuồng Mông...

TRẦN THÀNH: (Chấp tay vái tạ)

Lưng ngựa chinh yên còn đó đợi anh hùng
Không quên nước cớ sao người chẳng biết
Vó ngựa quân thù sẽ bụi mù trên đất Việt
Chốn hang sâu, lều cỏ, vững gì không?
Có cỏ nào sống nổi với quân Mông?
Hang sâu nào bảo vệ người khói lửa?
Nước sắp mất, xin người đừng do dự nữa...!

ÔNG LỘC HỘ: (Trầm ngâm)

Túc hạ hoàn toàn hữu lý giữa trần ai
Giữa trần ai...xin túc hạ ngắm sao Mai...
Ruộng vẫn đó, đàn trâu còn sới đất
Nhật nguyệt đó, có khi còn khi tắt
Trên rừng kia, hoa nở vẫn ươm chồi
Suối trên nguồn về với biển ngàn khơi
Mây tụ rồi tan, người còn rồi mất
Tất cả sống... để ngày mai về với đất...
Còn lại quê hương, Tổ Quốc sông hồ...

TRẦN THÀNH:

Người nói gì thêm, lão vẫn ngẩn ngơ?

ÔNG LỘC HỘ: (thở dài)

Người có thấy, sau cơn mưa trời sẽ nắng
Trải hào quang, trên khắp nẻo cô thôn?
Người có thấy mây đen rồi sẽ trắng
Nước từ sông ra biển lại mưa về nguồn?

NÀNG BA: (reo lên hoan hỉ)

Cháu hiểu rồi... Cháu hiểu rồi...Thưa thầy Lộc
Trời sanh mây, vì thế tục cần mưa
Trên cành non, nhện đó vẫn vương tơ
Trong rừng xanh, đàn chim kia phải hót
Trời xanh sông, sông phải mang nước ngọt
Có biển xanh, biển đó mặn muôn trùng
Các vật kỳ an..luật tạo hóa vô cùng!

ÔNG LỘC HỘ:

Cháu đã hiểu, ta chỉ là người áo vải
Nghiệp trời ban, tằm đó phải se tơ
Kiếm giang hồ gặp màn nhung ngừng lại
Nghề võ kia, sông đã laic đò rồi...
(thở dài)
Sao kia phải hiện trên trời
Trăng kia phải mọc khi đời vào đêm...
(chấp tay vái tạ Trần Thành)
Xin cho kẻ ngu phu về núi thẳm
Nghiệp tằm tơ sẽ nguyện luyện anh hào
Người áo vải làm sao quen trướng gấm
Thiếu dâu rồi, tằm biết sống ra sao...?

TRẦN THÀNH: (cảm kích vái tạ)

Người sống mãi với niềm đau dân tộc
Người biến hóa những anh hùng đơn độc
Một thành mười, mười sẽ hóa nên trăm
Sắt kia rèn thành kiếm, trấn giang san,
Non nước vững, dân tộc ta còn mãi

Người thay đổi tam thân that vững chãi
Rồi hy sinh quyết dựng lại ngày mai
Người là ai thưa thầy Lộc, người là ai?
Tình vẫn đó, quê hương ta sống mãi...!

Share this post

About Naveed Iqbal

Nulla sagittis convallis arcu. Sed sed nunc. Curabitur consequat. Quisque metus enim venenatis fermentum mollis. Duis vulputate elit in elit. Follow him on Google+.

0 nhận xét:

About-Privacy Policy-Contact us
Copyright © 2013 Võ thuật Cổ Truyền - Võ Cổ Truyền Việt Nam - tin tức liên đoàn Võ thuật cổ truyền. Distributed By Võ thuật cổ truyền Việt Nam | Blogger Template by Trung Đức
Proudly Powered by Võ Cổ truyền Việt Nam Phát triển xây dựng nội sung Bánh ngọtViệt Nam Bánh kem Hương vị Việt #banhngotvn Xem nhiều mẫu bánh sinh nhật võ thuật
back to top