Ngoài lãnh vực y khoa và võ thuật, người ta còn biết đến ông với tài thổi kèn xasophone rất tài tình. Ông cũng chính là người lập ra ban nhạc Star Band, qui tụ đủ mọi giới, sinh viên trẻ, kỹ sư, công chức nhà nước… Qua đó, ông phổ biến phương pháp kết hợp y- võ- nhạc nhằm nâng cao tinh thần và thể chất cho đời sống. Theo lời bác sĩ Phạm Gia Cổn, thì: “Vấn đề y võ nhạc áp dụng trong đời sống là phối hợp 3 chuyện đó để nó phục vụ cho đời sống con người, vì con người cần phải khoẻ mạnh, từ tinh thần cho đến thể chất, võ sẽ làm chuyện đó, âm nhạc cũng là một loại làm cho mình thư giãn.
Được hỏi làm thế nào để có một sự phối hợp hài hoà, ông cho biết: “Một con người đi tập võ, đương nhiên khoẻ về thể chất. Đối với con em mới tập, ngoài khỏe về thể chất, còn tạo được niềm tin, có đức dục trong đó, tôi gọi là võ hạnh. Nếu tiếp tục thì sẽ đưa đến con đường võ đạo, cơ thể tốt và làm công việc tốt, lối sống tốt.
Còn về chơi nhạc, thì khuyến khích các con em chơi nhạc, trong lúc chơi nhạc, dùng những âm thanh của nhạc đển làm con người lắng dịu lại, bớt đè nén của xã hội. Về Y khoa, con người cần phải hiểu những nguy hiểm của bệnh tật, hiểu thế nào để giữ vệ sinh cá nhân, hiểu thế nào là ăn uống cho điều hoà, điều độ. Đó là sự phối hợp.”
Giảm thiểu tình trạng phạm pháp
Thưa quí vị và các bạn, theo thông tin của các nhà xã hội, thì hiện nay, tỉ lệ thiếu niên dưới 18 tuổi phạm pháp càng ngày càng gia tăng. Theo bác sĩ Cổn, nếu đưa việc luyện tập võ vào học đường cùng với những lớp nhạc sẵn có thì vấn đề giáo dục học sinh sẽ rất tốt, và sẽ làm giảm thiểu tình trạng phạm pháp. Ông nói: Trong vấn đề giáo dục, có 3 phần: đức dục, thể dục, trí dục. Khi các em tập võ, nó sẽ tạo nên sự bình thản trong con người, nó có thể tự chủ được nó. Các em say mê tập võ sẽ quên đi nhưng thú vui không đẹp ở bên ngoài và chính những em đó có tự tin, tự vệ được mình thì sẽ không bị ảnh hưởng những tội ác bên ngoài.
Nguyên tắc của võ học là mình lấy sức bảo vệ người yếu, nên sẽ tránh được tội ác. Áp dụng trong học đường thì bên Mỹ xử dụng thể thao, để tập cho các em có tinh thần thể thao tốt và người ta quan niệm rằng khi tuổi đang lớn, nếu để nhiều năng lực vào vấn đề luyện tập thì sẽ quên những đòi hỏi của tuổi mới lớn đi và sẽ xa lánh những nơi dễ gây ra tội ác. Hiện nay, chúng tôi chủ trương đưa võ học vào trong học đường cho con em.
Cũng theo lời bác sĩ Phạm Gia Cổn, hiện nay ông cùng các võ sư đang có dự án đưa việc dậy võ thuật vào các trường trong quận hạt, như một môn học thể dục. Ngoài ra, vào năm 2001, ông cũng thành lập Hội Volunteer for Integration Ethnic Traditions, viết tắt là V.I.E.T nhằm nuôi dưỡng và phát triển truyền thống văn hóa của các sắc dân mà cụ thể nhất là Việt Nam, để hội nhập vào dòng chính của xã hội định cư.
Âm nhạc giúp giảm stress
Về nhạc, hiện nay, người ta đã áp dụng nhạc vào trong một số động tác của võ thuật như Tae Bo... Trong một số nước cũng có áp dụng trong những bài quyền, bài tập có kèm theo nhạc. Tôi nghĩ theo sự phát triển của xã hội, nhạc là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống, y là giúp cho người ta mạnh khoẻ, còn võ thì với tinh thần võ sĩ đạo. Nếu chúng ta kết hợp cả 3 thì sẽ nâng cao về tinh thần và thể chất
Còn cô Hồng Vân, một người trong ban nhạc Star Band của bác sĩ Cổn thì cho rằng: “Tôi nhớ có câu châm ngôn là “ Một tinh thần minh mẫn trong một thể xác tráng kiện”- do đó, đây là một sự hài hoà, và còn là một phương cách để giáo dục con em vì vừa có y học, vừa có võ học. Tôi rất hoan hô cái phương pháp y- võ- nhạc này và muốn giới thiệu đến tất cả mọi phụ nữ khác. Cách của bác sĩ Cổn giúp chúng ta có một đời sống quân bình hơn, tốt đẹp hơn.”
Riêng anh Nguyễn Trí, một kỹ sư về âm thanh, cũng là một nhạc sĩ chơi keyboard và guitar bass trong ban nhạc thì cho biết rằng sự luyện tập âm nhạc cùng với võ thuật đã làm cho anh cũng như những thành viên trong nhóm có tinh thần rất thoải mái trong đời sống, mặc dù hàng ngày rất bận rộn và dễ dẫn đến “stress”. Anh phát biểu:
“Nếu mình chơi một nhạc khí nào đó thì việc đó rất tốt cho đời sống của mình. Các nhà nghiên cứu về âm nhạc đã cho biết là nếu cho các em chơi nhạc thì sẽ giúp cho các em có khả năng học toán.. Theo tôi nghĩ, âm nhạc là một cái gì đó rất tốt cho đời sống con người, tôi dùng nó để giải trí thôi, cho nên, nó giúp cho mình thoải mái. Một ngày chỉ cần 20 phút luyện tập thôi, và không nên làm quan trọng hoá khả năng của mình. Theo tôi nghĩ, âm nhạc là một cái gì đó rất tốt cho đời sống con người, tôi dùng nó để giải trí thôi, cho nên, nó giúp cho mình thoải mái. Một ngày chỉ cần 20 phút luyện tập thôi, và không nên làm quan trọng hoá khả năng của mình.”
Với thi sĩ Trần Mộng Tú, ở bang Washington Seattle, tuy không có cơ hội tham gia sinh hoạt với nhóm của bác sĩ Cổn nhưng bà cũng rất ủng hộ phương pháp y – võ - nhạc này. Bà nói:
“Theo tôi biết, thì trong đời sống thể xác và tinh thần luôn luôn phải đi đôi với nhau. Để thể xác lành mạnh thì phải cần có y học và võ thuật . Về tinh thần thì thơ nhạc rất cần thiết. Nếu chúng ta áp dụng đều đặn thì sẽ rất có lợi trong đời sống.
Người ta thường hay nói: văn võ toàn tài, có nghĩa là người ta quân bình về thể xác và tinh thần. Tôi thấy ở Việt Nam, buổi sáng các cụ già, và cả các người trẻ dậy từ 5,6 giờ sáng ra các công viên để tập thể dục, người ta theo những phương pháp cử động tay chân như Tài chi, Hồng Gia chẳng hạn, đó chính là võ thuật.”
Thưa quí vị và các bạn, với thời đại kỹ thuật tiên tiến, cùng với sự phát triển của xã hội, nhịp sống của con người gần như một cái máy. Thế nên, với phương pháp phối hợp y- võ- nhạc vào đời sống của bác sĩ Phạm Gia Cổn, có thể phần nào giúp cho chúng ta có những giây phút thoải mái thật lành mạnh, để làm giảm đi sự căng thẳng hang ngày.
Theo BS Phạm Gia Cổn
0 nhận xét: