Thiếu Lâm Quyền thời Minh - Thanh

Posted at  tháng 11 14, 2019  |  in  Thiếu-lâm-quyền

Vào đầu thời Minh – Thanh, quyền thuật Thiếu Lâm đã phát triển rất mạnh mẽ cùng với sự hình thành của các võ phái khắp miền Nam - Bắc Trung Hoa như Võ Đang (Wu Tang Kungfu), Nga Mi (Emei Kungfu), Thiếu Lâm Côn Luân, Thiếu Lâm Không Động, v.v. …, cùng với các bộ môn quyền thuật mới của các môn đồ Bắc Thiếu Lâm vùng Sơn Đông, Hoa Bắc và Nam Thiếu Lâm ở Tuyền Châu (Phúc Kiến), Quảng Đông, Hoa Nam sau khi tinh tuyển các môn quyền thuộc các phái võ dân gian Trung Hoa vô danh đang lưu truyền tại các địa phương nhỏ. Đây mới chính là thời kỳ “Trăm Hoa Đua Nở” của võ thuật Trung Hoa giống như thời Xuân Thu – Chiến Quốc mà lịch sử gọi là thời của “Bách Gia Chư Tử” (trăm nhà học thuật) của các trường phái triết học Trung Hoa cổ đại.

Sự phát triển võ thuật của các võ phái Trung Hoa và Thiếu Lâm vào thời nhà Minh gắn liền với phong trào đánh đuổi giặc “Thát Đát” (người Mông Cổ) và sự kiện Chu Nguyên Chương sáng lập ra nhà Minh lấy hiệu là Minh Thái Tổ.


Có một số tài liệu viết một sự kiện rằng Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương đã từng học võ tại chùa Thiếu Lâm như Tống Thái Tổ và đã để lại bút tích do chính ngài thủ bút tại bia đá ở cổng chùa. Nguồn tài liệu này cũng không cho biết đã dẫn từ những nguồn tài liệu nào – chính sử hay dã sử nên chưa thể xác minh lại được và ngay tại bia đá cổng chùa của Thiếu Lâm tự Tung Sơn cũng chưa hề nghe ai nhắc nhở đến sự kiện này có thật hay không.

Sự phát triển võ thuật của các võ phái Thiếu Lâm vào thời nhà Thanh gắn liền với phong trào “Phản Thanh Phục Minh” và sự ra đời của các bang hội kín như Hồng Môn lấy Hồng Quyền làm nền tảng quyền pháp mà xưng danh, tục gọi là Hồng Bang Hội và Thiên Địa Hội, v.v. …

Bài La Hán Quyền không phải là 10 lộ La Hán Thập Bát Thủ. Bài La Hán Quyền này được sáng tác vào thời nhà Minh – nhà Thanh khoảng cùng thời với các bài Hầu Quyền, Ngũ Lộ Mai Hoa Quyền, Mai Hoa Quyền, Liên Hoa Quyền tại Thiếu Lâm Tung Sơn (Hà Nam) bởi vì các động tác quyền thuật trong các bài quyền này đã có một bước tiến đáng kể trong các động tác của thủ hình (thủ pháp) phức tạp hơn với những loại thủ hình mới như Hầu Thủ, Xà Hình Thủ Pháp, Liên Hoa Thủ, Cầm Nã Thủ là những chiêu thức thủ pháp thuộc loại Nhu Quyền rất thịnh hành vào thời Minh – Thanh chuyên nhấn mạnh đến lực ly tâm của các đường quyền chuyển động theo hình vòng tròn dùng để hóa giải các loại Cương Quyền thường vận động theo đường thẳng. Đây cũng chính là cơ sở để Chí Thiện Thiền sư (thuộc dòng quyền thuật Nam Thiếu Lâm) sáng tác ra kỹ thuật Trường Kiều với lối đánh cho tay quyền đấm theo đường vòng cung như bộ môn quyền Anh của phương Tây sau này, chỉ khác là kỹ thuật Trường Kiều yêu cầu hai cánh tay phải luôn thẳng khi xuất quyền.

Bài quyền nổi tiếng nhất thời nhà Minh của Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam là bài Ngũ Lộ Mai Hoa Quyền được phát triển cùng với bài La Hán Quyền trên cơ sở các loại thủ hình mới là Cầm Nã Thủ và Liên Hoa Thủ nhưng lại nổi tiếng hơn bài La Hán Quyền vì các bộ tấn của bài Ngũ Lộ Mai Hoa Quyền đòi hỏi các môn đồ Thiếu Lâm khi tập luyện phải di chuyển trên trận đồ Mai Hoa Thung – Thung có nghĩa là các cọc gỗ cao 2-3 mét có đường kính từ 30-40 phân xếp thành hình hoa mai, đây là một sáng kiến mới lạ và vô cùng độc đáo của chùa Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam và phương pháp này sau đó mau chóng khích lệ các bộ môn quyền thuật Bắc Thiếu Lâm như Hình Ý Quyền – còn gọi là Lục Hợp Quyền - của phái Thiếu Lâm Vy Đà (tục gọi là Vy Đà Môn) của dòng họ Vạn Lại thuộc vùng Hoa Bắc và Hạc Quyền của Nam Quyền Thiếu Lâm Hồng Gia của Phương Thế Ngọc, Bạch Hạc Quyền của phái Nam Thiếu Lâm Bạch Hạc phát triển trên Thiên Cương Mai Hoa Thung. Phương pháp luyện quyền trên Mai Hoa Thung Trận sau này đã nhanh chóng trở thành sở trường nghệ thuật lưu diễn cho các đoàn Lân-Sư-Rồng của các phái võ Nam Thiếu Lâm ở Quảng Đông, đó là biểu diễn Lân-Sư-Rồng trên Mai Hoa Thung Trận. Thậm chí có nhiều quyền sư Nam - Bắc Thiếu Lâm còn đề nghị bịt mắt bằng một tấm vải đen để luyện quyền trên Mai Hoa Thung.

Cũng như các bài quyền thời nhà Tống và nhà Nguyên, các bài quyền của Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam thời nhà Minh và nhà Thanh như bài La Hán Quyền và Ngũ Lộ Mai Hoa Quyền kể trên chỉ di chuyển theo phương ngang bên trái và bên phải so với hướng trục chính diện của người luyện.

Công lao của Thích Kế Quang và Du Đại Du được ghi nhận cho đời sau là việc hệ thống các thế quyền căn bản của các dòng quyền thuật trong dân gian, sau đó phổ biến lại cho các nhà sư Thiếu Lâm nhiều chiêu thức tinh diệu và hữu hiệu. Các chiêu thức này vẫn còn ở các bài quyền của Thiếu Lâm Quyền và Thái Cực Quyền ngày nay. Ngoài ra ông còn đưa thêm các nguyên lý của Tôn Tử binh pháp (chiến đấu tập thể) vào quyền thuật.

Có thể kể ra một số tư thế chiêu thức của hai môn quyền này xuất phát từ Thích Kế Quang như sau: Bạch hạc lượng sí, Bài cước, Bạch xà thổ tín, Bạch viên hiến quả, Bạch vân cái đỉnh, Triều thiên, Đơn tiên, Kim Kê độc lập, Hoài Trung Bão Nguyệt, Tảo Phong Cước, Ngọc Nữ Xuyên Thoa, Khóa Hổ, Tấn Bộ Ban Lan Chùy, Cao Thám Mã, ...

Các nguyên lý của Tôn Tử binh pháp được viên đại tướng này đưa vào quyền thuật như sau:

1. Nguyên lý "Thường sơn xà trận pháp" chép lại từ Tôn Tử binh pháp (thế kỷ thứ 5 trước Tây Lịch) được ông áp dụng trong quyền thuật : "chánh như Thường sơn xà trận pháp, đánh đầu thì đuôi tiếp ứng, đánh đuôi thì đầu tiếp ứng, đánh thân thì đầu và đuôi tương ứng" (chính như Thường sơn xà trận pháp, kích đầu tắc vỹ ứng, kích vỹ tắc đầu ứng, kích kỳ thân nhi đầu vỹ tương ứng).

2. Chiến thuật trá bại được trình bày trong ba chương: quyền, côn và thương. Đó là ba thế "Đảo kỳ long", "Tẩu mã hồi đầu thức" và "Dương du trá hồi thương pháp". Đây là chiến thuật giả bộ thua chạy dụ địch đuổi theo để xoay người đánh một quyền hay đâm một thương, còn lưu lại trong các bài binh khí như Trung Ương Quốc Thuật Quán Tam tài kiếm, Tinh Võ Hội Ngũ hổ thương, Thất Tinh Đường Lang Yến Thanh đơn đao, Vĩnh Xuân Bạch Hạc Song long xuất thủy song đao, Trần Gia Thái Cực Thập tam can, Trần Gia Thái Cực Xuân Thu đại đao... Quyền thuật tại hai tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến, có thế giả thua xoay lưng chạy rồi ngồi xuống đất để bất thình lình xoay người lại ném cát vào mắt địch hay nhảy lên đá vào hạ bộ đối thủ, thế có tên là "Linh miêu hí thử" (mèo đùa giỡn với chuột !).

3. Nguyên lý "hư thật" và "kỳ chính" xuất từ Tôn Tử binh pháp được áp dụng trong quyền thuật. Hư thật và kỳ chính chỉ sự dối trá để lừa địch, đòn đầu là hư và đòn sau là thật. Nhưng hai đòn đầu cũng có thể là hư chỉ đòn thứ ba và thứ tư mới là thật, đây là "Hư hư thật thật" hay "Kỳ kỳ chính cháính". Địch không biết lúc nào là hư lúc nào là thật !

4. Khái niệm "tiểu môn" và "đại môn" là nền tảng của võ thuật Trung Quốc. Muốn tấn công địch như muốn vào nhà, muốn vào nhà thì ta phải mở cửa, nhà xưa đều có hai cửa : cửa trước và cửa sau. Đại môn là khoảng cách giữa hai tay, là cửa trước, tiểu môn là hông hay lưng địch, là cửa sau. Đường đi vào đại môn ngắn hơn nhưng nguy hiểm hơn vì địch có thể phản công dễ dàng. Ta tấn công vào đại môn khi ta ra đòn trước, khi thế lực ta mạnh hơn. Khi đòn địch không nằm trên trung tâm tuyến thì ta tiến vào cửa chánh vừa đở vừa tấn công.

Thường ta chờ địch tấn công để kéo tay địch qua một bên buộc địch mở tiểu môn để ta xâm nhập, như Thích Kế Quang giải thích trong thế "Phao giá tử". Đây là nguyên lý rất quan trọng trong võ thuật Trung Hoa. Bát Quái Chưởng vừa niêm kéo tay địch qua một bên vừa chạy qua bên kia để đánh vô lưng địch. Vịnh Xuân né mình qua bên và hất tay đối thủ để tấn công vào bên hông. Bắc Phái Đường Lang Quyền tiến vào trung môn kéo tay địch qua bên để tấn công.

· Khi ta nghiên cứu qua 32 thế quyền của đại tướng, ta có thể thấy vài chiến lược khác như "dương đông kích tây" (Làm tiếng động hướng đông nhưng đánh hướng tây) và "Thượng kinh hạ thủ" (Làm địch sợ hãi ở trên để tấn công ở dưới).

· Và nguyên lý quan trọng khác là "tiệt đả", hiện nay là căn bản của võ thuật Trung Quốc : vừa tiếp đón đòn địch lúc chưa phát triển trên đường chính diện (trung tâm tuyến), vừa phản công.

Share this post

About Naveed Iqbal

Nulla sagittis convallis arcu. Sed sed nunc. Curabitur consequat. Quisque metus enim venenatis fermentum mollis. Duis vulputate elit in elit. Follow him on Google+.

0 nhận xét:

About-Privacy Policy-Contact us
Copyright © 2013 Võ thuật Cổ Truyền - Võ Cổ Truyền Việt Nam - tin tức liên đoàn Võ thuật cổ truyền. Distributed By Võ thuật cổ truyền Việt Nam | Blogger Template by Trung Đức
Proudly Powered by Võ Cổ truyền Việt Nam Phát triển xây dựng nội sung Bánh ngọtViệt Nam Bánh kem Hương vị Việt #banhngotvn Xem nhiều mẫu bánh sinh nhật võ thuật
back to top