Vĩnh Xuân Quyền - Vĩnh Xuân Việt Nam - đại võ sư Nguyễn Tế Công

Posted at  tháng 11 13, 2019  |  in  Môn-Phái-Võ-Thuật

Khái lược lịch sử.
Vĩnh Xuân Quyền vào Việt Nam chủ yếu do công của tôn sư Nguyễn Tế Công – người được đa số các võ sư Vĩnh Xuân hiện nay coi là sư tổ của Vĩnh Xuân Việt Nam. Từ năm 1939 đến 1954, Sư tổ chủ yếu dạy ở ngoài Bắc với các học trò (thế hệ thứ hai) sau này được nhiều người biết tên như các cố võ sư Việt Hương, Trần Văn Phùng, Ngô Sỹ Quí, Vũ Bá Quí, Trần Thúc Tiển, Ngô Phượng Tường, Hồ Hải Long v.v.

Sau năm 1954, sư tổ chuyển vào Nam, tiếp tục dạy các học trò như các cố võ sư Nguyễn Bá Khả, Lục Viễn Khai, Đỗ Bá Vinh, Ngô Phượng Tường, Trần Văn Từ, Huỳnh Ngọc Ẩn(đệ tử của Hồ Hải Long) v.v. cho đến khi mất 1959.

Trong thế hệ thứ ba của Vĩnh Xuân Việt Nam cũng đã có nhiều võ sư mở võ đường, được công chúng biết, đặc biệt ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, và ở một số nước khác như Canada, Pháp và Ukraina. Ngoài ra, còn nhiều võ sư không mở võ đường chính thức, dù vẫn âm thầm truyền dạy và phát triển các công phu của môn phái.


Vĩnh Xuân Quyền
Vĩnh Xuân Quyền

Ngoài những nhánh chính của tôn sư Nguyễn Tế Công, còn có một số ít chi nhánh khác của Vịnh Xuân vẫn được truyền dạy chủ yếu trong cộng đồng người Hoa ở Q5 (Sài Gòn,Chợ Lớn) và rải rác ở các tỉnh Nam Bộ (Vũng Tàu, Biên Hòa, Lái Thiêu, Cần Thơ…)Những chi nhánh này cũng do những người Hoa di cư truyền dạy (cùng thời và sau tôn sư Nguyễn Tế Công), mang tính chất tâm truyền(1-2 người) mục đích bảo tồn tinh hoa nên ít được biết đến.Những chi nhánh này mang nét đặc trưng của Vịnh Xuân truyền thống với 4 bài quyền, 2 bài binh khí.

Phát triển
Hiện nay, môn Vĩnh Xuân Quyền Việt Nam đã phát triển thành nhiều chi nhánh ở khắp các miền đất nước và mở rộng ra cả ngoài Việt Nam. Nhiều võ đường và câu lạc bộ Vĩnh Xuân Quyền đã được thành lập để trao đổi, học tập và phát triển môn phái.
Trước đây, không có cơ sở tin cậy để kết luận về nguồn gốc của tên gọi. Một trong các truyền thuyết nói rằng tổ sư của môn võ này là Ngũ Mai Lão Ni, một đệ tử của võ thuật Thiếu Lâm, trưởng môn phái Bạch Hạc Quyền, đúc kết những kinh nghiệm tập luyện và bổ sung thêm những kỹ thuật độc đáo “lấy nhu chế cương” khi quan sát trận giao đấu giữa Hạc và Xà. Cũng theo truyền thuyết, đệ tử đầu tiên của bà là Nghiêm Vĩnh Xuân, người có công phát triển rộng rãi môn võ. Về sau, tên của bà được lấy làm tên môn phái.

Vĩnh Xuân Quyền

Trong các truyền thuyết khác, tên của Chí Thiện Thiền Sư, Miêu Hiển, Phùng Đạo Đức, Trương Ngũ thường được nhắc đến như những người có các đóng góp cho kỹ thuật của môn phái. Các võ sư ở thế hệ sau như Đại Hoa Diện Cẩm, Lương Nhị Đệ, Hoàng Hoa Bảo trong Hồng Hoa Hội, Lương Tán, Hoắc Bảo Toàn, Phùng Thiếu Thanh, Trần Hoa Thuận v.v. là những người đã có công truyền bá và hòan thiện các kỹ thuật Vĩnh Xuân, và được nhắc đến trong hầu hết các phả hệ ở các chi phái. Các bằng chứng về việc Hoắc Bảo Toàn và Phùng Thiều Thanh truyền dạy cho anh em Nguyễn Tế Công và Nguyễn Kỳ Sơn hiện vẫn còn lưu tại Phật Sơn, Quảng Đông, Trung Quốc.

Môn này đã phát triển ở nhiều nơi trên thế giới, và được biết đến nhiều nhất qua Lý Tiểu Long, người thể hiện công phu Vĩnh Xuân trên màn bạc. Sư phụ ông – Diệp Vấn, được coi là sư tổ của Vĩnh Xuân Hồng Kông – là người có công đào tạo ra một thế hệ học trò đã truyền bá Vĩnh Xuân rộng rãi trên toàn thế giới.

Hiện nay, theo những nghiên cứu về khảo cổ học của Viện Văn hóa và Khảo cổ Trung quốc, Viện Văn hóa và Khảo cổ tỉnh Phúc kiến, những nghiên cứu về lịch sử, về võ thuật và nghệ thuật kinh kịch Trung quốc cộng với những công trình nghiên cứu của nhiều dòng Vĩnh Xuân khác nhau trên thế giới, trong đó nổi bật nhất là Viện Bảo tàng Vĩnh Xuân (Ving Tsun museum) của dòng Diệp Vấn, chúng ta có thể rút ra các nét chính về lịch sử môn Vĩnh Xuân như sau:

- Vĩnh Xuân là một môn khoa học chiến đấu được các cao tăng Nam Thiếu Lâm và một vài người còn lại của giới tướng lĩnh quân sự nhà Minh nghiên cứu sáng tạo ra tại Vĩnh Xuân đường, thuộc về chùa Nam Thiếu Lâm ở Bồ Điền (Putian), tỉnh Phúc Kiến.Mục đích của việc sáng tạo ra môn Vĩnh Xuân là để tạo ra một phương pháp chiến đấu hữu hiệu hơn võ thuật Thiếu Lâm truyền thống. Đồng thời, vào thời điểm đó, quân đội Minh triều đã tan rã, nên giới tướng lĩnh quân sự Minh triều và giới lãnh tụ khởi nghĩa cần phải có một phương pháp huấn luyện mới thật hiệu quả, nhanh chóng để trong một thời gian ngắn có thể đào tạo ra một lực lượng chiến đấu đủ sức chống lại quân đội Mãn Thanh thiện chiến.

- Khi chùa Nam Thiếu Lâm này bị vua Khang Hy đốt vào cuối thế kỷ 17, các cao thủ Vĩnh Xuân thoát khỏi vụ hỏa thiêu đã đổi tên môn phái thành Vịnh Xuân, rút vào hoạt động bí mật và phổ biến môn phái ra quần chúng dưới tên gọi Vịnh Xuân. Truyền thuyết về Ngũ Mai lão ni và Nghiêm Vịnh Xuân được đặt ra để che giấu nguồn gốc thực của môn phái. Chữ Nghiêm đặt trước tên Vịnh Xuân để nhắc về lời thề giữ bí mật của Vĩnh Xuân đường.

- Khi đổi tên, họ luôn có ý định khi lật đổ nhà Thanh, phục hồi nhà Minh, sẽ dựng lại chùa Nam Thiếu Lâm và đổi tên môn phái trở lại thành Vĩnh Xuân. Dự định này đã không thành sự thật, vì triều đại nhà Minh không bao giờ được khôi phục. Do đó môn phái mang cả hai tên gọi là Vĩnh Xuân và Vịnh Xuân, tùy theo xuất thân và dòng gốc của người thầy phổ biến nó.

- Bên ngoài Hồng Hoa hội, khi Vịnh Xuân được dạy cho quần chúng, các sư phụ không bao giờ dạy toàn bộ hệ thống như là một Khoa học Chiến đấu hoàn chỉnh được tạo ra từ Vĩnh Xuân đường. Chính vì vậy, nhiều dòng Vịnh Xuân khác nhau đã ra đời, và có nhiều cách hiểu và lý giải công pháp Vịnh Xuân khác nhau.

Họ tên chính của sư tổ Vịnh Xuân quyền Việt Nam là Nguyễn Tế Công (còn có tên khác là Nguyễn Tế Vân, Lương Vũ Tế, Tài Cống), sinh năm 1877 ở Tân Hội (Quảng Đông, Trung Quốc). Thân phụ là Nguyễn Long Minh – một thương gia giàu có mở xưởng pháo hoa ở Phật Sơn.
Ông là con thứ 4, cùng người em thứ 5 năm Nguyễn Kỳ Sơn được gia đình bỏ ra một số tiền lớn để xin học võ Hoắc Bảo Toàn (Phổ Bá Quyền). Hoắc Bảo Toàn là một bộ đầu ở Phật Sơn, nổi tiếng về Vịnh Xuân quyền, lại giỏi đạo pháp. Hoắc Bảo Toàn là học trò của Hoàng Hoa Bảo (cháu ruột của sư tổ Ngũ Mai) và Đại Hoa Diện Cẩm. Sau khi học võ sư phụ Hoắc Bảo Toàn, hai anh em Tế Công và Kỳ Sơn lại tiếp tục theo học Phùng Thiểu Thanh – quan án sát Quảng Châu – cũng rất giỏi và nổi tiếng về Vịnh Xuân quyền và côn thuật.
Trước thịnh tình của gia đình họ Nguyễn, Phùng Thiếu Thanh (lúc đó đã 70 tuổi) đã đồng ý đến ở trong nhà họ Nguyễn và dạy võ cho một nhóm 8 người trong đó có hai anh em Tế Công. Phùng Thiểu Thanh mất năm 74 tuổi và được gia đình họ Nguyễn tổ chức tang lễ chu đáo. Gia đình ông Tế Công ở ngay gần gia đình Diệp Vấn. Khi gia đình Diệp Vấn gặp khó khăn, gia đình Tế Công vẫn thường xuyên giúp đỡ. Hai bên quan hệ với nhau rất thân thiết.
Nguyễn Tế Vân đã tham gia vào các cuộc khởi nghĩa 1906-1908, 1910, 1911. Từ đó tiếng tăm về võ nghệ và trình độ quân sự của ông bắt đầu nổi lên.
Tháng 10 năm 1911, tất cả các địa phương miền Nam và miền Trung Trung Hoa đã đứng dậy khởi nghĩa, và ngày 12/2/1912 vị vua nhỏ tuổi Phổ Nghi đã ra chiếu chỉ xóa bỏ triều đại Nhà Thanh. Tôn Dật Tiên lên nắm chính quyền và trở thành Tổng Thống, sau đó chuyển giao quyền lực cho Viên Thế Khải. Như vậy vào năm 35 tuổi Viên Thế Khải trở thành bằng chứng sống về thời đại cuối cùng của Triều đình Mãn Thanh – triều đại hoàng đế cuối cùng của Trung Hoa.

Sau khi triều đại nhà Thanh bị xóa bỏ, Nguyễn Tế Vân vẫn tiếp tục theo đuổi con đường võ thuật và tham gia vào cuộc kháng chiến chống can thiệp của các nước châu Âu và Nhật Bản. Ông hoạt động bí mật dưới sự chỉ huy của Tưởng Giới Thạch và đã chứng kiến rất nhiều điều. Nguyễn Tế Vân đã tham gia vào cuộc nội chiến 1924-1927, đã được chứng kiến đói khổ, bệnh tật, chết chóc của bạn bè , đã chứng kiến cả cuộc nội chiến thứ hai vào các năm 1927-1936. Lúc đó vào tuổi 59, Nguyễn Tế Vân đã trở thành một quan võ rất tiếng tăm.

Nguyễn Tế Vân không ngừng rèn luyện thể xác và tinh thần khi luyện tập Vĩnh Xuân. Ông còn có các môn sinh rất chăm chỉ. Có một thời Diệp Vấn cũng theo học ông, Trần Hoa Thuận và Lương Bích. Về sau, Diệp Vấn trở thành chưởng môn chi phái Vĩnh Xuân quyền Hồng Kông.

Năm 1937 Nguyễn Tế Công lánh nạn sang Việt Nam. Lúc đầu ông ở Hải Phòng sau chuyển về phố Hàng Buồm (Hà Nội) mở hiệu thuốc và nắn bó xương, cuối cùng chuyển về phố Hàng Giày. Thời kỳ đầu sang Việt Nam, ông làm quản gia kiêm bảo tiêu cho một nhà tư sản người Hoa có mỏ ở miền Bắc Việt Nam.
Ông có dạy võ cho người con trai chủ nhà là Cam Túc Cường. Vào dịp lễ, Cam Túc Cường vừa hát vừa biểu diễn múa dải lụa mềm dài 5 m, nhưng lụa không bao giờ chạm đất. Lúc sang Việt Nam ông Nguyễn Tế Công có một người con gái nuôi là La Tố Mai cũng rất giỏi Vịnh Xuân quyền.
Một lần, khi ông Tế Công đang khám bệnh thì xuất hiện 2 người một già, một trung niên. Hai người bước vào với vẻ mặt cừu địch. Ông bảo người nhà rót hai chén nước, đưa cho người trung niên một chén, và cầm một chén. Hai người nâng hai chén nước và cụng… ly.
Tế Công vận nội công và từ từ bước lên. Người trung niên tay run, không chịu nổi cứ phải lùi dần ra cửa. Thấy vậy, người khách già vỗ vai người trung niên lắc đầu và bảo rằng, “suốt đời nội lực của anh không sánh kịp Tế Công đâu, thôi xóa bỏ hận thù đi”. Lúc ấy mọi người mới biết, trung niên kia vốn có mối thâm thù với ông Tế Công từ bên Trung Quốc, đã bỏ ra mười mấy năm trời tu luyện rồi sang Việt Nam tìm để giao đấu, nhưng cuối cùng đành phải quy phục…

Thời kỳ đó thái độ của người Việt đối với người Hoa chưa được nồng ấm, nên lúc đầu Tế Công chưa có môn sinh là người Việt. Nhưng do có nhiều gia đình danh giá trong cộng đồng người Hoa có quan hệ họ hàng với người Việt và đã có nhiều người không còn thuần là Hoa kiều nên mối quan hệ với người Việt dần dần trở nên khăng khít và thân ái. Môn sinh Chen Tai vừa luyện tập Vĩnh Xuân vừa giúp thầy của mình quen dần với cuộc sống mới và hòa nhập với các tầng lớp dân cư. Sau đó Chen Tai phải trở về Trung Hoa để giải quyết một vấn đề hệ trọng do người chú ở Thượng Hải gửi thư sang báo tin. Tế Công biết rằng có thể sẽ không được gặp môn sinh yêu quí của mình nữa, nên ông đã truyền dạy võ nghệ cũng như kinh nghiệm sống cho Chen Tai như cha truyền dạy cho con.

Tế Công ngày càng được nhiều người dân địa phương quý mến và coi ông là một thày thuốc giỏi, giàu kinh nghiệm.

Khi tiếp xúc với người dân địa phương, ông nhận thấy họ là những con người tốt bụng và dễ mến, nên ông đã bắt đầu tiếp nhận các môn sinh mới là người địa phương.

Năm 1955 ông vào Sài Gòn, sống ở Chợ Lớn và tiếp tục truyền dạy võ nghệ. Môn sinh rất yêu quý và kính trọng thày, luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ thầy trong những thời khắc khó khăn của cuộc sống.

Đại sư Tế Công đã coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình và hết lòng truyền dạy Vĩnh Xuân cho các môn sinh.

Năm 1960 ông qua đời ở tuổi 84, để lại ở Việt Nam một kho tàng kiến thức đồ sộ về Vĩnh Xuân. Các môn sinh của ông đã gìn giữ và phát huy kho tàng kiến thức này và truyền bá từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Đại sư Nguyễn Tế Công đã được các môn sinh suy tôn là Sư tổ Vĩnh Xuân Việt Nam.

Share this post

About Naveed Iqbal

Nulla sagittis convallis arcu. Sed sed nunc. Curabitur consequat. Quisque metus enim venenatis fermentum mollis. Duis vulputate elit in elit. Follow him on Google+.

0 nhận xét:

About-Privacy Policy-Contact us
Copyright © 2013 Võ thuật Cổ Truyền - Võ Cổ Truyền Việt Nam - tin tức liên đoàn Võ thuật cổ truyền. Distributed By Võ thuật cổ truyền Việt Nam | Blogger Template by Trung Đức
Proudly Powered by Võ Cổ truyền Việt Nam Phát triển xây dựng nội sung Bánh ngọtViệt Nam Bánh kem Hương vị Việt #banhngotvn Xem nhiều mẫu bánh sinh nhật võ thuật
back to top